- Hỏi: Cháu đang học lớp 8 và muốn biết đôi nét về lịch sử hình thành của loại ngôn ngữ dành riêng cho người câm điếc. Cháu muốn trò chuyện với một bạn khiếm thính. Có sách nào hướng dẫn cháu tự học ngôn ngữ này không?
Hoàng Hạ Vũ
18 Pasteur, Lạc Đạo, Phan Thiết, Bình Thuận
LÊ ANH MINH: Ngôn ngữ dành riêng cho người câm điếc (sign language) thường được gọi là ngôn ngữ ra dấu, ngôn ngữ ký hiệu, hay thủ ngữ. Trung Quốc gọi là thủ ngữ (shouyu), Nhật Bản gọi là thủ thoại (shuwa). Thủ nghĩa là tay. Trong thủ ngữ, mỗi chữ cái, mỗi dấu, chữ số, được biểu thị bằng một ký hiệu do các ngón tay cử động tạo ra. Khi giao tiếp, người ta ghép các ký hiệu ngón tay lại theo quy tắc chữ viết. Do đó các chữ cái của thủ ngữ còn gọi là mẫu tự thủ ngữ (finger alphabet; manual alphabet; hand alphabet; fingerspelling). Ngoài ra, các cử động ra dấu của bàn tay và cánh tay cũng có ý nghĩa nhất định trong giao tiếp.
Thủ ngữ đã được hình thành và phát triển mấy trăm năm qua. Mỗi nước có hệ thống thủ ngữ riêng, nhất là các nước có ngôn ngữ không dùng mẫu tự Latin (thí dụ Hán ngữ, Nhật ngữ, Hàn ngữ).
Nếu không rành thủ ngữ, cháu có thể giao tiếp tương đối tốt với người câm điếc nếu chú ý các điểm sau:
- Giao tiếp nơi có ánh sáng tốt, để người ấy nhìn rõ cháu.
- Nhìn môi người ấy mấp máy, cháu cũng có thể đoán phần nào ý nghĩ của họ.
- Cháu có thể dùng giấy bút để vẽ những hình ảnh đơn giản mà người ấy có thể hiểu được.
- Có thể dùng ngón tay để vẽ hình hay chữ trong lòng bàn tay.
- Câu hỏi của cháu phải thật ngắn gọn.
- Những động tác (giống như diễn kịch câm) cũng có thể truyền đạt điều cháu muốn nói.
- Cháu cần kiên nhẫn, chờ đợi người ấy suy nghĩ điều cháu nói và điều cháu muốn hỏi.
Nước ta đã và đang nỗ lực xây dựng thủ ngữ Việt Nam nhưng hệ thống từ vựng và ngữ pháp hiện vẫn chưa hoàn chỉnh. Theo Câu lạc bộ Ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội, hiện nay ở Việt Nam có ba loại phương ngữ ký hiệu chính: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Hà Nội có hai địa chỉ học tập thủ ngữ và giao tiếp với người câm điếc là:
- 21D Lạc Trung, sáng chủ nhật hàng tuần.
- 214 Nguyễn Lương Bằng, tối thứ ba hàng tuần.
Trên Internet có nhiều tư liệu học thủ ngữ bằng tiếng Anh cho cháu tham khảo. (Cháu có thể dùng Google, từ khóa là “sign language”). Hai trang web sau đây có minh họa tốt về thủ ngữ:
http://www.aslpro.com/cgi-bin/aslpro/aslpro
http://commtechlab.msu.edu/Sites/aslweb/browser.htm
Nếu tự học thủ ngữ VN, cháu có thể dùng sách Ký hiệu của người điếc Việt Nam (3 tập) và Từ điển Ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam do Trường Sư phạm TPHCM thực hiện. Cháu liên lạc với website http://vsdic.net để xin dĩa CD từ điển.
Chúc cháu thành công.