Lịch sử châu Âu qua tiểu thuyết của một nhà văn gốc Trung Quốc

Với cuốn tiểu thuyết dày gần 700 trang - Song nguy thuyền (Chibooks và NXB Lao động), nhà văn gốc Trung Quốc Tạ Lăng Khiết đã tái hiện lịch sử châu Âu thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới II. Tác phẩm đề cao tinh thần phản chiến, được tác giả hoàn thành trong 14 năm.

Ngày 6-12, Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chương trình giao lưu với nhà văn Tạ Lăng Khiết nhân dịp tiểu thuyết Song nguy thuyền của bà được ra mắt tại Việt Nam.

Nhà văn nữ Tạ Lăng Khiết là người gốc Quảng Tây (Trung Quốc) nhưng đã lập gia đình và sinh sống tại châu Âu 16 năm qua. Trước khi chuyển sang sáng tác văn học và nghiên cứu văn chương, ngôn ngữ một cách chuyên sâu, bà từng làm việc trong lĩnh vực quản lý tài chính hơn 11 năm. Tạ Lăng Khiết từng giành các giải thưởng như: Giải thưởng Văn học thanh niên Quảng Tây, Giải thưởng Văn học Trung Sơn dành cho Hoa kiều...

img-8169-1651.jpg
Nhà văn Bích Ngân (đứng), Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM bên cạnh là nhà văn Tạ Lăng Khiết tại chương trình ra mắt tiểu thuyết "Song nguy thuyền"

Song nguy thuyền là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Tạ Lăng Khiết, xoay quanh cuộc sống của người dân châu Âu thời kỳ hậu chiến tranh Thế giới II cùng những tư tưởng triết học về việc nhìn nhận đánh giá về cuộc đời, về nhân sinh, về chiến tranh...
Tác phẩm được thực hiện dưới góc nhìn mới lạ, lượng kiến thức sâu sắc về lịch sử châu Âu. Bên cạnh đó, tác phẩm của bà còn được ví như một “bách khoa thư” khi các lĩnh vực công nghệ, tôn giáo, triết học, điêu khắc, hội họa, nhạc kịch, đại dương học... cũng được khai thác trong tác phẩm.

Theo chia sẻ của nhà văn Tạ Lăng Khiết, từ những năm 2000, khi bắt đầu học viết văn tại Học viện Lỗ Tấn, bà có niềm yêu thích và muốn tìm hiểu về Việt Nam. Cuốn sách này có xuất phát từ việc bà tìm kiếm tài liệu liên quan đến Việt Nam với ý định sẽ viết một tác phẩm có đề tài về Việt Nam. Nhưng trong quá trình đọc tài liệu, bà lại rẽ sang hướng khác.

“Khi đến châu Âu, tôi gặp một người Mỹ trở về từ chiến tranh, họ bị di chứng chiến tranh rất nặng nề, bị dày vò liên tục và thậm chí đã nghĩ đến việc tự sát. Từ cuộc gặp gỡ này, tôi muốn viết một cuốn sách liên quan việc phản đối chiến tranh”, nhà văn Tạ Lăng Khiết chia sẻ.

Xuất thân từ một dịch giả văn học, trong đó phần nhiều là dịch văn học Trung Quốc, có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nhà văn, nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Chibooks, tác phẩm của họ viết về hiện thực của Trung Quốc, viết về các đề tài mà thông qua đó chúng ta có thể tìm hiểu về đất nước, văn hóa và con người Trung Quốc trong một thời điểm nhất định.

Ngược lại với những nhà văn trên, tác phẩm của Tạ Lăng Khiết không viết về con người hay một đề tài cụ thể về Trung Quốc, cũng không nói gì về văn hóa Trung Quốc, mà viết về lịch sử châu Âu. Thông qua câu chuyện của một du học sinh người Trung Quốc như một cái cớ, tác phẩm mở ra một lịch sử châu Âu với rất nhiều kiến thức đồ sộ, ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

“Tạ Lăng Khiết quan tâm đến vấn đề lớn của nhân loại, và chúng ta cần phải bước ra khỏi cái hạn hẹp của quốc gia, của dân tộc mình để nhìn sâu, nhìn rộng hơn nữa. Đó là lý do tôi muốn giới thiệu tiểu thuyết Song nguy thuyền đến độc giả Việt Nam, để chúng ta có thêm một cái nhìn mới về một tác phẩm văn học của một nhà văn gốc Trung Quốc”, bà Nguyễn Lệ Chi cho biết.

Trong một tiểu thuyết khai thác chủ đề lịch sử, điểm nhìn của nhà văn được xem là vô cùng quan trọng. Khi được hỏi về vấn đề này, nhà văn Tạ Lăng Khiết cho biết, khi viết một cuốn sách về đề tài về châu Âu, bà không có ý niệm trong việc dùng con mắt của người phương Đông hay phương Tây. Theo bà, điều này không quan trọng, bà chỉ quan tâm đến những cộng hưởng đến từ sự hiểu biết lẫn nhau về văn minh, cùng yêu thích cái đẹp, cùng quan tâm đến tình người, sự nhân văn.

“Xuất phát từ điều đó, chúng ta hoàn toàn có thể viết nên tác phẩm về đề tài mà chúng ta quan tâm, không nhất thiết phải cố ý đặt điểm nhìn của mình với tư cách là một người phương Đông viết về đề tài châu Âu. Tôi để nó diễn ra và đến một cách tự nhiên”, nhà văn Tạ Lăng Khiết bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục