Libya nóng bỏng

“Nga hy vọng cuộc khủng hoảng ở Libya sẽ không dẫn đến thảm họa đẫm máu mới”, “Tất cả các bên liên quan ở Libya cần bình tĩnh và kiềm chế”. Đó là các tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov và Bộ Ngoại giao Nga, được đưa ra trong bối cảnh giao tranh tại Libya bùng phát trở lại, khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Giao tranh ác liệt

Sự việc bắt đầu khi Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ủng hộ chính quyền tại miền Đông Libya, phát động chiến dịch chiếm giữ thủ đô Tripoli. Đến ngày 4-4, lực lượng LNA đã chiếm đóng làng Gharyan, cách thủ đô Tripoli 100km về phía Nam. Ngày 5-4, Tướng Haftar đã có cuộc gặp với Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres tại Benghazi, thành phố lớn thứ 2 của Libya. Tại cuộc gặp, Tướng Haftar khẳng định, chiến dịch sẽ chỉ dừng lại cho tới khi LNA đánh bại “quân khủng bố” (ám chỉ Chính phủ Libya tại Tripoli được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận).

Theo BBC, hiện giao tranh đang diễn ra tại khu vực gần sân bay quốc tế ở phía Nam thủ đô Tripoli. Lực lượng Gìn giữ hòa bình LHQ tại Tripoli được đặt trong tình trạng báo động cao. Lực lượng dân quân ở Misrata, cách Tripoli 210km về phía Đông, cũng đã được điều động về Tripoli. Lực lượng vũ trang ủng hộ chính quyền Tripoli cho biết, đã bắt giữ được một số tay súng của LNA. Trong khi đó, người phát ngôn lực lượng quân sự miền Đông Libya cho biết, lực lượng này đã kiểm soát sân bay quốc tế Tripoli cũ ở ngoại ô phía Nam thủ đô nước này. Ngoài sân bay nói trên, lực lượng quân sự miền Đông cũng đã nắm quyền kiểm soát Tarhouna và Aziziya, 2 thị trấn gần thủ đô Tripoli.
 

Lực lượng vũ trang ủng hộ chính phủ Tripoli sẵn sàng ứng chiến
 Libya đã chìm trong bạo lực và chia rẽ kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và giết chết vào năm 2011. Tướng Khalifa Haftar từng là một sĩ quan quân đội giúp nhà lãnh đạo Gaddafi cầm quyền vào năm 1969, nhưng rồi bị thất sủng sau cuộc chiến tranh với nước láng giềng Chad và phải sống lưu vong tại Mỹ sau khi Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) chìa bàn tay đón ông với mục đích gây dựng lực lượng chống Gaddafi. Năm 2011, thời điểm nội các của Gaddafi bị lật đổ, ông Haftar quay trở lại Libya và trở thành chỉ huy của lực lượng nổi dậy LNA. Đầu năm nay, LNA đã chiếm đóng khu vực phía Nam Libya cùng những mỏ dầu tại đây. Và nay, Tướng Haftar lãnh đạo LNA chống lại Chính phủ Libya được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, công nhận.


Kêu gọi ngừng hoạt động quân sự

Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres viết rằng, ông rời Libya “với trái tim trĩu nặng và lo ngại sâu sắc”, đồng thời hy vọng sẽ tìm ra giải pháp để tránh được một cuộc chiến ở thủ đô Tripoli.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã ra thông báo đề nghị dừng ngay lập tức “tất cả các hoạt động quân sự hướng về thủ đô Tripoli”. Dù không đề cập trực tiếp tới Tướng Haftar nhưng các ngoại trưởng G7 cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc nhất về các diễn biến làm leo thang căng thẳng ở Libya. Chính phủ Đức đã kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn nhằm thảo luận về giải pháp đối phó với nguy cơ xung đột quân sự mới tại Libya. Ông Steffen Seibert, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhấn mạnh, không thể có một giải pháp quân sự ở Libya và cho biết mục đích của cuộc họp khẩn cấp là nhằm tìm ra giải pháp tránh leo thang quân sự và tiếp tục tiến trình chính trị. Berlin một lần nữa kêu gọi các bên liên quan ngừng ngay lập tức các hoạt động quân sự và tránh làm căng thẳng leo thang. 

Đồng quan điểm với Đức, nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ, Pháp, Italy, Anh và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đã ra tuyên bố chung kêu gọi các bên kiềm chế và chấm dứt các hành động quân sự, đồng thời cảnh báo các nguy cơ quân sự sẽ đẩy Libya trở lại cảnh hỗn loạn như trước đây.

Tin cùng chuyên mục