Ngoài sự đặc biệt đến từ cuốn sách, khách mời với những cô bé, cậu bé tuổi lên ba lên bốn hồn nhiên cười nói lẫn hát hò đã mang đến nhiều cảm xúc thú vị cho những người tham dự. Đó là chương trình ra mắt bộ sách Chuyện kể âm nhạc do AnKids, một thương hiệu của Công ty sách Anbook tổ chức.
Bộ sách của tác giả Trần Tấn Sâm gồm hai cuốn: Câu chuyện bên thùng giấy và Chuyện bầy heo của bà thuộc thể loại sách hỗ trợ kể chuyện; trong đó, sử dụng các ca khúc nhỏ có cùng môtíp làm lời thoại cho nhân vật hoặc âm thanh xuất hiện trong bối cảnh, đồng thời sử dụng các câu thơ có vần điệu làm lời dẫn hay lời kể. Các giai điệu và tiết tấu dùng để kể đều có bản ký âm ngay trong sách.
Một điều khiến những người có mặt hôm đó không tránh khỏi bất ngờ lẫn thích thú khi bộ sách được gói ghém cẩn thận, đi kèm với đó là một phong bao lì xì đỏ rực, thiết kế theo kích thước của cuốn sách. Chủ ý của những người thực hiện chính là muốn khuyến khích các bậc phụ huynh lựa chọn bộ sách như một món quà lì xì gửi tới con cháu trong nhà. Điều này làm gợi nhớ đến cách làm của tập thơ Con nít con nôi cũng do AnKids thực hiện vào năm ngoái, khi đã tạo nên một điểm nhấn thú vị cho thị trường sách dịp Tết 2018; đồng thời trở thành người “lát viên gạch” đầu tiên cho phong trào lì xì sách cho trẻ.
Theo chị Ngô Phương Thảo, Giám đốc Anbook, dùng hình thức lì xì để tặng quà cho trẻ con vào mỗi dịp tết không chỉ tạo ra thói quen đọc sách mà còn thể hiện một phần văn hóa của gia đình. Chị Thảo lý giải: “Vào thời khắc đầu tiên của năm mới, thường người ta sẽ làm việc gì thiêng liêng nhất, mang tính truyền thống, giá trị của cả một gia đình hay nói cách khác là triết lý của một gia đình. Người Việt mình luôn dùng những ngày đầu năm mới để truyền đạt lại những giá trị; bởi vậy, khi tặng cho trẻ một cuốn sách vào mồng 1 tết, không chỉ tặng món quà hay lì xì mà gửi lại cho trẻ một giá trị mà mình muốn cho con nhớ”.
Chị Hà Ngọc Nga (quận 9, TPHCM), một phụ huynh đã rất thành công trong việc tạo thói quen đọc sách cho cậu con trai của mình, chia sẻ: “Tính cách của trẻ luôn tò mò và ham học hỏi. Sách như một cánh cửa giúp con khám phá thế giới nên bất cứ em bé nào cũng sẽ thấy thú vị khi được tiếp cận những điều hay ho trong sách. Vì vậy, tạo thói quen đọc sách cho con hoàn toàn không khó nếu bố mẹ thực tâm mong muốn con yêu sách, nuôi dưỡng và bồi đắp tình yêu đối với sách khi con còn nhỏ”.
Với kinh nghiệm của mình, chị Hà Ngọc Nga lưu ý: “Tôi hay chia sẻ với bố mẹ là khi đọc sách cho con tránh sự kỳ vọng quá nhiều. Chúng ta hãy xem sách là món ăn tinh thần của con. Đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc đọc sách sẽ giúp con trở nên xuất chúng hay hy vọng đọc xong cuốn sách con sẽ trở nên ngoan ngoãn, lễ phép ngay được. Nếu quá kỳ vọng chúng ta hay thúc trẻ em đọc những thứ chúng ta cho là tốt mà quên đi lăng kính và suy nghĩ của đứa trẻ. Chúng ta vì quá kỳ vọng nên khoác lên con “nhiệm vụ” phải đọc sách khiến đứa trẻ cảm thấy áp lực và từ đó ghét sách”.
Mới đây, báo chí đưa tin vào ngày 30-1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm và lì xì sách cho thầy và trò Trường Tiểu học Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên). Ngoài “mừng tuổi” hơn 500 bản sách về STEM, sách học tiếng Anh, sách khoa học thưởng thức… cho học sinh và nhà trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn tặng sách và lì xì cho 27 học sinh vượt khó học giỏi. Phó Thủ tướng nhắn nhủ: “Tết đến, cháu nhỏ nào cũng được mừng tuổi. Có cháu bỏ vào heo đất tiết kiệm, có cháu đưa hết cho bố mẹ, có cháu được mua quần áo mới, bánh kẹo. Tiền tiết kiệm dùng để làm nhiều việc, nhưng bố mẹ và thầy cô, nếu có thể, giúp các cháu trích một phần tiền mừng tuổi để mua sách cho mình, chia sẻ cho bè bạn, đóng góp vào tủ sách ở lớp, ở trường”.
Giống như cây kiểng, muốn cây có thế đẹp thì người làm vườn phải bỏ công uốn nắn từ lúc nhỏ. Việc tạo lập thói quen đọc sách cho trẻ cũng vậy. Muốn trẻ trở thành người yêu thích đọc sách sau này, thì trước mắt phải hình thành và tạo lập thói quen đọc sách cho trẻ.