Tuy nhiên, trộm nghĩ, ý nghĩa của lì xì không phải do phong bao dày hay mỏng, ít hay nhiều tiền trong đó mà chính là lời chúc muốn gửi gắm đến người nhận. Thế nhưng, thông thường vẫn là những lời tốt đẹp chung chung đã trở thành khuôn mẫu, không khéo trở thành khách sáo. Những câu chúc này quen thuộc đến độ, người chúc chưa nói ra người nhận đã biết tỏng rồi. Mà, câu chúc đó có thể dành chung cho mọi đối tượng, xét ra nó không thật lòng và có tính chất xã giao nhiều hơn. Dần dà, mối quan tâm của nhận lì xì không phải lời chúc mà chính là “chất lượng” của phong bao. Vì lẽ đó, việc lì xì mừng tuổi đã phai dần ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.
Không những thế, lì xì bằng tiền cũng có thể là một “áp lực” cho nhiều nhà, nhiều người. Nếu kinh tế khá giả việc lì xì chỉ là “chuyện nhỏ như con thỏ”, nhưng ngược lại sẽ là đắn đo của không ít người. Người ta mừng tuổi nhà mình thế kia, mình sang chơi “đáp lễ” chẳng lẽ lại “bèo” thế này? Dù biết chẳng ai nói gì nhưng tự mình lại cảm thấy “khó coi”, áy náy. Không phải ngẫu nhiên mà từ thập niên 1940 thế kỷ trước, nhà thơ trào phúng Tú Mỡ cho biết sở dĩ ghét tết cũng vì: Mừng tuổi đèo phong bao/ Năm xu lại một hào/ Ai sinh cái tệ đó?/ Hao!
Có thể đây là một trong những lý do khiến nhiều người nghĩ đến cách thay đổi cách thức lì xì chăng? Chẳng hạn, tại sao không là sách? Cứ cho là thế, thay đổi này vì kinh tế thì cũng chính đáng nhưng đó không phải chuyện lớn. Điều quan trọng nhất vẫn là biện pháp tích cực làm sống lại và quay trở về với ý nghĩa của lì xì đó thôi.
Sách đóng vai trò làm nhịp cầu nối về câu chúc của người tặng đến người nhận. Tùy đối tượng mà người ta tặng sách phù hợp với câu chúc trong khi đồng tiền không thể hiện được. Ai cũng biết tiền là cần, là quý nhưng đồng tiền lì xì đó đối với người lớn hoặc trẻ nhỏ cũng chỉ là một giá trị cụ thể như nhau.
Sách lại khác. Mỗi đối tượng đều có cách lựa chọn sách và cảm nhận tùy theo nhu cầu và sở thích. Thế thì, người chúc tùy theo đối tượng mà lựa chọn nội dung, tức phải “đầu tư” suy nghĩ. Vì vậy, quà tặng này có ý nghĩa hơn chứ không chỉ là động tác bỏ tiền vào phong bao là xong.
Khi lì xì bằng cách tặng một hay nhiều quyển sách tức bản thân ta đã biểu lộ sự tôn trọng về tri thức, nhân cách, sự am tường của người nhận. Rồi sau này, có dịp ta cùng người đó tranh luận, trao đổi, chia sẻ về những câu chuyện nhân văn, triết lý trong những quyển sách đó, há chẳng phải là tri kỷ, tri âm cùng có chung thú vui tao nhã đó sao? Và chắc chắn, những quyển sách đó sẽ là bạn đồng hành cùng người được tặng. Rồi lúc nhìn sách, họ sẽ nhớ đến người đã tặng bởi nhận lì xì bằng sách không chỉ sách mà ở đó là những con chữ mở ra biết bao điều cần nói mà người tặng muốn gửi gắm.
Khi ta được lì xì bằng sách, dù chưa chắc có thời gian đọc liền ngay nhưng điều quan trọng nhất là, thói quen này góp phần thay đổi một thẩm mỹ, một nhận thức về giá trị của cái đẹp. Hơn nữa, tiền có thể mất giá chứ ý nghĩa nhân văn trong quyển sách lâu bền hơn. Vì thế, nhận lì xì bằng sách không chỉ một lần mà còn là quà để dành cho con cháu mai sau.