LHQ thừa nhận tác động tiêu cực khi trừng phạt Venezuela

Với 27 phiếu thuận, 5 phiếu trắng và 15 phiếu chống, Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (LHQ) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết mang tên “Những tác động tiêu cực của các biện pháp cưỡng bức đơn phương đối với việc hưởng thụ quyền con người”, do Caracas, đại diện cho Phong trào Không liên kết, đệ trình.


Tổng thống Donald Trump gặp gỡ các nhà lãnh đạo vùng Carribe tại Florida Ảnh: Washington Times
Tổng thống Donald Trump gặp gỡ các nhà lãnh đạo vùng Carribe tại Florida Ảnh: Washington Times

Công cụ gây áp lực

Theo thông báo ngày 22-3 của Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza, văn bản này yêu cầu các nước từ bỏ việc bảo trợ và/hoặc áp dụng các biện pháp cưỡng bức đơn phương đi ngược luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và các quy định, nguyên tắc về quan hệ hòa bình giữa các quốc gia, đặc biệt là các biện pháp cưỡng bức có hiệu ứng ngoài lãnh thổ, gây khó khăn cho quan hệ thương mại giữa các nước. Nghị quyết này cũng lên án mạnh mẽ thực tế rằng một số cường quốc cụ thể vẫn tiếp tục ban hành và buộc phải tuân thủ một cách đơn phương các biện pháp trên như một công cụ để gây áp lực chính trị và kinh tế chống lại một quốc gia khác.

Trong phần trình bày, đại diện Venezuela đã đưa ra những ví dụ cụ thể về tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với người dân quốc gia Nam Mỹ này. Ngoại trưởng Arreaza đánh giá việc thông qua nghị quyết trên là “một thắng lợi lớn của chủ nghĩa đa phương và nền ngoại giao hòa bình”.

Trước đó, một đoàn công tác của Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thăm Venezuela để đánh giá tình hình và Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet đã bày tỏ quan ngại trước hậu quả của các biện pháp trừng phạt nước ngoài nhắm vào quốc gia Nam Mỹ này.

Mỹ tiếp tục trừng phạt Venezuela

Tuy nhiên, cùng ngày, Văn phòng quản lý tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt trừng phạt lên Ngân hàng Phát triển kinh tế - xã hội Venezuela (Bandes) và 4 chi nhánh của thể chế tài chính nhà nước này. Thông cáo chính thức của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ: Động thái này là để đáp trả việc một ngày trước đó, Chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro bắt giữ Roberto Marrero, người được xem là “Chánh văn phòng” của thủ lĩnh đối lập Juan Guaidó - đang được Washington hậu thuẫn mạnh mẽ.

Trong một thông cáo ban hành ngày 22-3, Bộ Ngoại giao Venezuela đã cáo buộc các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Ngân hàng Bandes của nước này sẽ ảnh hưởng đến gần 24 triệu khách hàng. Chính phủ Venezuela lên án các biện pháp đơn phương, cưỡng ép, độc đoán, trái phép ảnh hưởng đến Ngân hàng Bandes và 4 thể chế tài chính của Caracas. Nhân dân và Chính phủ Venezuela sẽ tiếp tục bảo vệ nền độc lập và chủ quyền về chính trị, kinh tế và văn hóa của mình.

Đòn trừng phạt mới liên quan đến lĩnh vực tài chính của Venezuela được Mỹ công bố bất chấp trước đó, ngày 21-3, người phát ngôn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Gerry Rice thông báo thể chế tài chính toàn cầu này không công nhận tư cách “tổng thống tạm quyền” tự xưng của nghị sĩ Venezuela Juan Guaidó. Như vậy, chỉ có Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID) đã trở thành thể chế tài chính đa phương đầu tiên công nhận ông Guaidó. IMF và BID đều được cho là có quan điểm thân Mỹ và là nơi Washington, với sự ủng hộ của các đồng minh, có khả năng kiểm soát phiếu bầu được tính theo tỷ lệ đóng góp.

Theo giới quan sát, đây là thắng lợi chính trị quan trọng tiếp theo của chính phủ và cá nhân Tổng thống Venezuela đương nhiệm Nicolás Maduro (tháng trước, LHQ cũng đã tuyên bố về tính hợp hiến của chính quyền ông Maduro) và có thể sẽ tạo ra một bước ngoặt mới cho cuộc khủng hoảng tại Venezuela. Những diễn tiến mới cho thấy tình hình Venezuela ngày càng khó lường. Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ được đưa ra trong khi Tổng thống Donald Trump đang gặp gỡ các nhà lãnh đạo từ 5 quốc gia vùng Carribe tại Florida, là Jamaica, Bahamas, Haiti, CH Dominica và St. Lucia.

Tin cùng chuyên mục