Dù đã nâng tầm về số lượng các phim và quốc gia tham dự, nhưng kỳ vọng của những người làm điện ảnh trong nước về một LHP “Cannes” của Việt Nam cho đến nay vẫn đang là những bước khởi đầu. Để tiến đến một LHP uy tín, không những cần thời gian mà còn phải có chiến lược bài bản.
Bà Ngô Phương Lan, Trưởng Ban tổ chức LHP, chia sẻ: “Nhiều LHP quốc tế trên thế giới được tổ chức hàng năm, trong khi đó, ở Việt Nam, LHP quốc tế Hà Nội tổ chức 2 năm/lần, đây là một trong những cái khó để ban tổ chức có thể hâm nóng thương hiệu, thu hút sự chú ý của các nhà làm phim quốc tế. Hơn nữa, ban tổ chức LHP thế giới đều rất chuyên nghiệp, còn thành viên Ban tổ chức LHP quốc tế Hà Nội thì phải chia sẻ việc quản lý nhà nước với sự kiện điện ảnh, cũng là thách thức không nhỏ”.
Một trong những yếu tố để tạo thương hiệu của LHP chính là sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi trong và ngoài nước. Khi mới bắt đầu, LHP Hà Nội ghi nhận sự có mặt của đạo diễn Philip Noyce từ Hollywood; bà Hellen Harrington, Giám đốc tổ chức các sự kiện Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ; diễn viên Hàn Quốc Kang Soo Yeon; diễn viên Trung Quốc Trương Gia Huy… Năm nay, gương mặt trên thảm đỏ hứa hẹn nhiều hấp dẫn hơn.
Cùng đó, năm nay cũng được đánh giá cao bởi đã quy tụ được nhiều tác phẩm nổi bật của các nền điện ảnh nổi tiếng trên thế giới, những phim đã giành giải thưởng lớn như Oscar, Cành cọ vàng - LHP Cannes, Gấu Vàng - LHP Berlin... “Chặng đường gần 10 năm qua, tính từ LHP quốc tế Hà Nội lần thứ I, là cả một quá trình chúng tôi nỗ lực đưa thương hiệu này dần được biết đến và được khẳng định. Trong các kỳ LHP trước đây, việc tìm một vài bộ phim lớn, phim đã nhận được giải thưởng lớn tham gia, khá gian nan. Bởi, ngoài việc phải trả tiền bản quyền với một con số tương đối lớn, những người tổ chức cũng phải có tên tuổi, uy tín mới dễ dàng lấy được những bộ phim đó về cho LHP của mình. Rất may, đến thời điểm này, LHP quốc tế Hà Nội đã có uy tín nhất định, vì vậy chúng tôi có thể liên hệ được với nhiều đại lý, thậm chí trao đổi trực tiếp với các nhà làm phim, các tác giả; từ đó lấy được những bộ phim mới nhất, đồng thời là những tác phẩm hàng đầu của điện ảnh thế giới. Lần này sẽ có phim của Nhật đoạt giải Cành cọ vàng LHP Cannes 71 (tháng 5-2018); phim của Chile giành giải Oscar - Phim nước ngoài hay nhất (tháng 2-2018); phim Hungary đoạt giải Gấu Vàng - LHP Berlin (năm 2017)…”.
Việc đưa được nhiều tác phẩm điện ảnh lớn về Việt Nam không chỉ đem lại cho khán giả nhiều cơ hội và thưởng thức tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật thứ 7, mà còn là cơ hội của những người làm điện ảnh, nghiên cứu văn hóa tiếp cận với bản chiếu có chất lượng tốt. Những tác phẩm đặc sắc được lựa chọn trình chiếu tại LHP quốc tế Hà Nội sẽ khái quát bức tranh điện ảnh thế giới đương đại.
LHP cũng là dịp đem lại nhiều cơ hội cho các bạn trẻ đam mê điện ảnh kết nối và học hỏi thông qua “Trại sáng tác trẻ”. Diễn ra trong 6 ngày, “Trại sáng tác trẻ” sẽ cung cấp các chương trình đào tạo khác nhau cho đạo diễn, diễn viên, biên kịch với nhiều chủ đề. Những đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên, biên tập viên, nhà quay phim, thiết kế sản xuất quốc tế sẽ chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp làm việc của họ.
Đặc biệt, “Xưởng sản xuất LHP” là nơi dành riêng cho những nhà sản xuất trẻ, tại đây có những buổi thuyết trình, thảo luận kinh nghiệm về sản xuất và cùng nhau sáng lập các dự án phim. Chương trình này cung cấp một cơ hội rộng mở trong công tác sản xuất, tuyển chọn diễn viên... Có khoảng 10 diễn viên sẽ được giám khảo chọn lựa để tham gia diễn xuất. Bên cạnh đó, 2 cuộc hội thảo và tọa đàm chủ đề: “Tiêu điểm điện ảnh Ba Lan” và “Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran” sẽ giúp các nghệ sĩ, nhà quản lý và công chúng hiểu thêm về các nền điện ảnh giàu bản sắc trên thế giới.