Nhiều thông điệp ý nghĩa từ LHP danh giá bậc nhất thế giới đã được phát đi nhưng vẫn còn không ít hạt sạn đã trở thành cố hữu.
Châu Á thắng thế
Trước khi danh sách giải thưởng chính thức tại LHP Cannes lần thứ 71 được công bố trong đêm bế mạc tối 19-5 (giờ Pháp), hầu hết các nhà phê bình đều dồn sự chú ý vào những đại diện đến từ châu Á. Riêng hạng mục Cành cọ vàng, có 6 tác phẩm đến từ châu Á dự tranh và luôn nhận được dự đoán sẽ giành giải thưởng cao quý này. Không quá bất ngờ khi Shoplifters của đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Kore-eda đã được xướng tên. Phim đã chạm vào cảm xúc người xem khi mô tả những góc khuất của xã hội Nhật Bản.
Hirokazu Kore-eda là cái tên kỳ cựu của làng điện ảnh châu Á khi từng giành giải thưởng của ban giám khảo tại LHP Cannes 2013 với tác phẩm Like Father, Like Son. Chiến thắng này bất chấp nhiều đồn đoán trước đây cho rằng Cành cọ vàng có thể thuộc về tác phẩm của một đạo diễn nữ, đặc biệt trong bối cảnh những bê bối tình dục đang là đề tài nóng. Sau buổi lễ, Cate Blanchett - trưởng ban giám khảo - cho hay đã có “cuộc chiến nảy lửa” để chọn ra người chiến thắng nhưng cuối cùng, tất cả phải cúi đầu trước tầm nhìn của đạo diễn Shoplifters.
Ở các hạng mục chính thức, 2 đại diện châu Á khác cũng được vinh danh là nữ diễn viên xuất sắc Samal Yeslyamova (phim Ayka, Kazakhstan) và giải Kịch bản xuất sắc cho Jafar Panahi (3 Faces, Iran).
Một tiếc nuối rất lớn đối với điện ảnh châu Á đó là Burning - đại diện được các nhà phê bình đánh giá rất cao tại LHP Cannes lần này - đã không thể có tên trong danh sách các giải thưởng ở hạng mục chính. Phim chỉ nhận được giải của hiệp hội phê bình báo chí trong hạng mục trao giải độc lập (FIPRESCI Prizes).
Các giải thưởng quan trọng khác: Grand Prix (Giải thưởng lớn) được trao cho bộ phim về phân biệt chủng tộc tại Mỹ BlacKkKlansman (Spike Lee); Đạo diễn xuất sắc nhất (Pawel Pawlikowski với Cold War); Nam diễn viên xuất sắc nhất Marcello Fonte (Dogman). Nữ đạo diễn người Lebanon Nadine Labaki nhận giải thưởng của ban giám khảo với tác phẩm Capernaum, trong khi giải Cành cọ vàng đặc biệt đã được trao cho Jean-Luc Godard với The Image Book.
Ở hạng mục Nhãn quan độc đáo, chiến thắng đã gọi tên phim Border (Ali Abbasi), trong khi hạng mục Cinéfondation đã vinh danh The Summer of the Electric Lion ở vị trí cao nhất.
Tại LHP Cannes năm nay, giấc mơ với điện ảnh Việt vẫn còn xa vời, tiếp tục không có đại diện nào có mặt trong các hạng mục đề cử chính thức hay không chính thức. Một điểm nhấn nhỏ là bộ phim do diễn viên Nhã Phương làm nhà sản xuất kiêm vai chính - Infill & Full Set được lựa chọn trình chiếu tại Short Film Corner (Góc phim ngắn).
Vẫn còn mặt trái
LHP Cannes năm nay có rất nhiều điểm đặc biệt. Trước vấn nạn lạm dụng tình dục đang trở thành chủ đề nhức nhối của ngành công nghiệp điện ảnh toàn thế giới, phong trào #Metoo đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ tại LHP Cannes. Bằng chứng là, lần đầu tiên trong lịch sử LHP này có đường dây nóng tố cáo hành vi quấy rối, tấn công tình dục. Ban tổ chức cũng phát tờ rơi cho từng khách mời cùng lời nhắc nhở: “Hãy cư xử đúng mực, đừng phá hoại buổi lễ và dừng các hành động quấy rối”. Để lên tiếng bảo vệ nữ quyền, năm nay ban tổ chức đã mời nữ diễn viên Cate Blanchett đảm nhận vai trò trưởng ban giám khảo cùng với 4 thành viên nữ khác trong khi số giám khảo nam thấp hơn, chỉ 4 người.
Cate Blanchett cũng từng nói lên tiếng nói mạnh mẽ để bảo vệ những người phụ nữ hoạt động trong ngành công nghiệp điện ảnh: “Giới tính không liên quan đến định nghĩa về tài năng” và cho rằng “phụ nữ hãy phấn đấu để thay đổi hiện tại”. Hình ảnh 82 nhà làm phim nữ được dự tranh giải Cành cọ vàng cùng xuất hiện trên thảm đỏ hay bài phát biểu của nữ diễn viên Asia Argento tố cáo bị Harvey Weinstein cưỡng hiếp ngay trên sân khấu trao giải đã thể hiện thông điệp một cách mạnh mẽ.
Nhưng LHP Cannes vẫn còn mặt trái. Là LHP danh giá bậc nhất, bảo chứng tên tuổi cho nhiều nhà làm phim, nơi có chợ phim sôi động... dù có nhiều thay đổi tích cực nhưng đã thành thông lệ một “đặc sản” không mấy đẹp mắt ở LHP Cannes đó là những hành động trưng trổ quá đà trên thảm đỏ. Năm nào cũng vậy và LHP Cannes lần thứ 71 cũng không ngoại lệ khi hình ảnh các sao nữ ăn mặc phản cảm, gây sốc, quá đà... không khó để bắt gặp suốt 11 ngày diễn ra sự kiện.
Đáng chú ý, đa phần trong số họ (trong đó, có rất nhiều sao châu Á) đều chỉ thuộc diện “vô danh tiểu tốt”, không hề có phim tham gia dự tranh các hạng mục từ chính thức đến không chính thức. Cuộc chiến “mỹ nhân kế” này thực chất chỉ để câu giờ trên thảm đỏ và mong kiếm một chút sự chú ý từ giới truyền thông. Điều này, vô hình trung mâu thuẫn với những lời hiệu triệu mà LHP Cannes hô hào trước đó. Hoặc có thể, ban tổ chức có phần hơi dễ dãi với các khách mời tham dự, phần nào đó mất đi sự sang trọng, danh giá của LHP.
Các giải thưởng chính thức tại LHP Cannes 2018
Cành cọ vàng: Shoplifters, Hirokazu Kore-eda
Grand Prix (giải thưởng lớn): BlacKkKlansman - Spike Lee
Đạo diễn xuất sắc: Pawel Pawlikowski - Cold War
Nam diễn viên xuất sắc: Marcello Fonte - Dogman
Nữ diễn viên xuất sắc: Samal Yeslyamova - Ayka
Giải thưởng của ban giám khảo: Nadine Labaki - Capernaum
Kịch bản xuất sắc: Alice Rohrwacher - Happy as Lazzaro và Jafar Panahi, Nader Saeivar - 3 Faces
Cành cọ vàng đặc biệt: Jean-Luc Godard
Nhãn quan độc đáo: Ali Abbasi - Border
Cinéfondation: The Summer of the Electric Lion - Diego Céspedes