Lều chõng-thời xưa khác mấy thời nay?

Cuộc đời tôi, nếu có ai hỏi sợ gì nhất, tôi không ngần ngại trả lời rằng: “Sợ đi thi!”. Cái cảnh ông cử, ông nghè ngày xưa phải lều chõng năm lần, bảy lượt đi thi mà nhà văn Ngô Tất Tố đã viết trong tác phẩm Lều chõng đủ để thấy rằng, ông tiến sĩ thật khác xa ông tiến sĩ giấy. Tôi đã đọc tác phẩm này nhiều lần và nghiệm ra rằng, cái thời ấy cũng “...

Không hiểu sao người ta cứ bắt tội trẻ con phải học những sách quái gở? Những đứa độ 8-9 tuổi, mới vỡ lòng được vài ba tháng, còn biết đời “hỗn mang” là cái gì, kẻ “hiền hào” là người như thế nào? Vậy mà chúng nó cứ phải học cho thuộc lòng, thật là một sự khổ cho trẻ con...”. Và cũng như tình trạng “phao” tràn lan trong phòng thi hiện nay, thời ấy cũng có sĩ tử mang tài liệu vào lều thi, bị phát hiện “...
Cái gì thế này? Người lính đó nghiêng cái miệng lọ và móc lấy vật ấy ra. Té ra là một mớ giấy bản viết chữ nhỏ như con kiến, người ta vo lại và trát sáp ong ở ngoài cho khỏi thấm nước...”. Cũng có tình trạng thi hội “... Mày tính, cái lúc mưa rét như thế, quyển của tao, tao cũng viết bậy, huống chi là quyển làm mướn.”

Tôi đã nhiều lần thi rớt và để an ủi mình, tôi luôn thì thầm câu “học tài thi phận”, nhưng nghĩ lại, nếu học hành tử tế, đàng hoàng thì đâu đến nỗi dở thầy, dở thợ. Tôi mê Ngô Tất Tố, cụ viết Lều chõng từ thời tôi mới cắp sách đến trường, vậy mà trong bối cảnh thi cử hiện nay, mà điển hình nhất là qua kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, giá trị của nó vẫn còn nóng hổi, thật đúng là “...
Có khoa, người ta ăn tiền lấy đến sáu trăm sinh đồ. Về sau, vì có nhiều tiếng ra tiếng vào, chúa Trịnh phải bắt những người đã đỗ ra bờ sông hạch lại. Sáu trăm ông bị loại hơn bốn trăm ông...”. Tính thời sự ấy còn thể hiện qua nhân vật Thúy, bằng giọng văn mai mỉa: “Không biết chốc nữa mình sẽ phải ngồi như thế nào, phải đứng như thế nào và phải ăn nói ra sao cho đúng điệu bộ một bà tiến sĩ?”.

Thi cử bê bối, gian lận, bằng giả, bằng “dởm” tràn lan luôn là vấn nạn của tiền đồ đất nước. Nhưng qua Lều chõng, chúng ta thấy rõ hơn thái độ của xã hội, của “những người có trách nhiệm” trước tình trạng này. Đó là giá trị nhân văn vĩnh cửu của tác phẩm.

TRẦN HỮU NGƯ
(280 An Dương Vương - quận 5-TPHCM)

Tin cùng chuyên mục