Tàu đổ bộ USS Arlington với khả năng chuyên chở phi cơ và các xe lội nước cùng hệ thống phòng không Patriot sẽ tham gia vào nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln. Theo Lầu Năm Góc, đội máy bay ném bom B-52 cũng đã tới một căn cứ tại Qatar.
Ngoài ra, Mỹ cũng đã triển khai khoảng 5.200 quân đến Iraq, quốc gia láng giềng của Iran. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hoạt động triển khai này nhằm đối phó với những dấu hiệu cho thấy Iran ngày càng sẵn sàng thực hiện các chiến dịch tấn công đe dọa lực lượng và lợi ích của Mỹ. Lầu Năm Góc khẳng định Washington không muốn xung đột với Iran nhưng sẵn sàng bảo vệ các lực lượng và lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Trước đó, Cơ quan quản lý hàng hải Mỹ (MARAD) khuyến cáo các tàu thương mại của nước này, trong đó có các tàu chở dầu đi qua những tuyến đường biển chủ chốt ở Trung Đông, có thể trở thành mục tiêu tấn công của Iran.
MARAD cho biết, kể từ đầu tháng 5, đã gia tăng nguy cơ Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm của nước này trong khu vực có hành động nhằm vào lợi ích của Mỹ và đồng minh. Những địa điểm có nguy cơ trở thành mục tiêu bao gồm cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực sản xuất dầu mỏ, sau khi Tehran đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, nơi khoảng 1/3 lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của thế giới được trung chuyển qua đây.
Tuy nhiên, Iran đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ, đồng thời mô tả việc triển khai quân đội của Washington là “chiến tranh tâm lý” nhằm hù dọa Tehran. Đáp trả hành động của Mỹ, Yousef Tabatabai-Nejad, một giáo sĩ cấp cao của Iran, đã cảnh báo hạm đội hải quân của Mỹ có thể “bị phá hủy chỉ bằng một quả tên lửa”.
Không ai được lợi
Giới quan sát đặt câu hỏi Tehran có lo sợ và có thể xảy ra kịch bản nào giữa Mỹ-Iran? Hãng AP dẫn lời Keivan Khosravi, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh tối cao quốc gia Iran, cho rằng Mỹ đánh đòn chiến tranh tâm lý. Bởi Iran không thể đọ sức với Mỹ nhưng Tehran hơn Washington về địa lợi.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đóng vai chính bảo vệ eo biển Hormuz, bố trí hàng trăm tên lửa chống hạm trong các chiến hào kiên cố dọc theo bờ biển và các đảo nhỏ.
Tàu chiến, tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz, diễu hành qua các dàn phóng tên lửa của Iran giống như những mục tiêu bắn súng hơi ở các chợ phiên. Hải quân chính quy Iran không thể đấu lại Hạm đội 5 của Mỹ nhưng có thủy lôi, các thuyền xung kích đã từng liều lĩnh bám chặt, trắc nghiệm phản ứng tàu chiến Mỹ.
Nhà phân tích Alain Rodier, cựu sĩ quan tình báo, trợ lý giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tình báo Pháp, so sánh một cách dí dỏm cuộc đọ sức giữa Iran với Mỹ (nếu xảy ra) với tình hình xã hội tại Pháp: lực lượng Áo vàng đối đầu cảnh sát. Cho dù Mỹ có đủ sức tiêu diệt hàng trăm tên lửa của Iran thì chiến sự phải kéo dài nhiều tháng. Trong thời gian eo biển Hormuz biến thành chiến trường, kinh tế thế giới ra sao nếu bị thiếu dầu mỏ? “Chắc chắn một điều là không ai được lợi”, chuyên gia Alain Rodier nói.
Nhiều nhà phân tích cũng nhận định, trong 2 năm cầm quyền vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn dùng lời lẽ đao to búa lớn. Nhưng nếu quan sát thái độ của Washington đối với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại, với Triều Tiên trong khủng hoảng hạt nhân, với Venezuela trong cuộc đọ sức với Tổng thống Nicolas Maduro, dường như có một điểm chung: Ông chủ Nhà Trắng và 2 nhân vật là Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo có vẻ nghiêng về chiến thuật “công lương”, tức là đánh vào hầu bao của đối thủ, hơn là “công đồn” mà binh pháp Tôn Tử cho là hạ sách.