Lý do không thuyết phục
Mỹ cũng đưa ra cảnh báo đi lại tới Belarus đối với công dân Mỹ, đồng thời khuyến cáo các máy bay thương mại nước này cân nhắc bay qua không phận quốc gia Đông Âu này. Nhà Trắng còn nêu rõ, Bộ Tư pháp Mỹ cùng Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang hợp tác với các đối tác châu Âu để điều tra vụ việc trên.
Với tuyên bố trên, Mỹ đã chính thức tham gia nhóm các nước áp lệnh trừng phạt lên Belarus sau vụ ép máy bay hạ cánh khẩn cấp vào ngày 23-5 với lý do nghi ngờ có chất nổ. Belarus giải thích động thái này nhằm đảm bảo an toàn cho chuyến bay. Bộ Ngoại giao Belarus khẳng định, cách thức xử lý trong vụ chuyển hướng máy bay nói trên hoàn toàn hợp pháp và tuân thủ các quy định hàng không quốc tế.
Tuy nhiên, lý do này không thuyết phục được phương Tây. Mỹ, Canada và nhiều nước châu Âu cho rằng, mục tiêu thật sự của Belarus là bắt Protasevich, nhà hoạt động 26 tuổi bị truy nã với cáo buộc “hoạt động khủng bố”.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với những quan chức, cá nhân liên quan tới vụ việc cùng những doanh nghiệp tài trợ cho Belarus, nhấn mạnh hành động của Belarus là hành vi “không tặc” với một máy bay châu Âu.
Các lãnh đạo EU cũng kêu gọi máy bay các nước trong khối tránh không phận Belarus và đồng ý thông qua các biện pháp cần thiết để cấm hãng hàng không Belarus bay qua không phận EU cũng như tiếp cận các sân bay EU. Đồng thời, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã tạm đình chỉ gói đầu tư trị giá 3 tỷ EUR (3,65 tỷ USD) của EU dành cho Belarus.
Diễn biến trên buộc ngành hàng không Belarus có những điều chỉnh về lịch trình bay. Hãng hàng không quốc gia Belarus Belavia thông báo hủy các chuyến bay tới 8 quốc gia châu Âu từ ngày 27-5 đến 30-10 do lệnh cấm bay. Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng quyết định mở cuộc điều tra về vụ việc. Các hãng hàng không Lufthansa (Đức), KLM (Hà Lan), Air France (Pháp), Finnair (Phần Lan) và Singapore Airlines (Singapore) cũng đã dừng các chuyến bay qua Belarus.
Khoét sâu căng thẳng
Áp lực trừng phạt nhằm vào Belarus sau sự kiện trên đã khoét sâu căng thẳng giữa Belarus với các nước châu Âu và Mỹ. Theo chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Belarus Katsiaryna Shmatsina, dù các biện pháp trừng phạt không thể buộc Tổng thống Lukashenko rời bỏ quyền lực nhưng sẽ gia tăng áp lực với nhà lãnh đạo này.
Quan hệ giữa Tổng thống Belarus và giới lãnh đạo châu Âu rơi vào căng thẳng sau khi ông Lukashenko tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái, sau 26 năm cầm quyền. EU tuyên bố cuộc bỏ phiếu không công bằng nhưng Tổng thống Lukashenko bác bỏ mọi cáo buộc.
Cũng có ý kiến cho rằng, áp lực trừng phạt từ EU và Mỹ sẽ khiến quan hệ Nga - Belarus xích lại gần nhau hơn. Nga là quốc gia đầu tiên cho rằng Belarus có cách tiếp cận hoàn toàn phù hợp trong vụ chuyển hướng máy bay của hãng Ryanair sau khi nhận thông tin về thiết bị nổ.
Giữa bão chỉ trích của phương Tây nhắm vào Belarus, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhận định, vụ bắt ông Protasevich không nên bị đánh giá vội vàng và phải dựa vào các thông tin có sẵn. Moscow cho rằng, phản ứng gay gắt của Washington và châu Âu gây sốc. Điện Kremlin bác bỏ mọi bình luận cho rằng, Nga liên quan đến vụ ép chuyến bay của Ryanair hạ cánh.
Theo giới quan sát, sự bênh vực của Nga với Belarus là điều đã được dự đoán từ trước. Đối với Belarus, Nga là đối tác kinh tế - chính trị mạnh mẽ, ủng hộ nhiệt tình chính quyền Tổng thống Lukashenko. Ngược lại, Belarus tạo cơ hội cho Nga gây ảnh hưởng trong khu vực, đồng thời đóng vai trò như bức tường thành, giúp ngăn châu Âu tiếp cận những vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ như Ukraine.