Một công đôi ba việc, loại hình thương mại mới này vừa mở ra cơ hội giới thiệu các sản phẩm OCOP của TPHCM vừa tăng cường mạng lưới liên kết, trải nghiệm, du lịch của các địa phương và thúc đẩy tiềm năng công nghệ số trong xã hội.
Năm 2023, trong đà sụt giảm của kinh tế toàn cầu, kinh tế TPHCM không tránh khỏi những khó khăn. Song, trong bức tranh xám màu ấy, thương mại điện tử (TMĐT) vẫn tăng trưởng ổn định với 22,66% trong 3 quý của năm.
Nền tảng số liệu thị trường Metric vừa phát hành báo cáo thị trường TMĐT quý 3-2023, theo đó, 9 tháng năm 2023, tổng doanh thu trên các sàn TMĐT đạt 163.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu 9 tháng năm 2023 cao hơn năm 2022 là 7%, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng.
Nắm bắt xu hướng thương mại mới này, UBND TPHCM đã sớm ban hành Kế hoạch số 2450/KH-UBND về phát triển TMĐT trên địa bàn thành phố. Động thái này nhằm cụ thể hóa từng bước đi của kinh tế số, trong đó chính quyền thành phố hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi số cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp, người tiêu dùng tham gia giao dịch TMĐT, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá, phân phối…
Vì vậy, một trong những động lực quan trọng của 2 tháng cuối năm và là động lực chính để “tiếp đích” 2023 chính là mô hình TMĐT, bên cạnh tiêu dùng - chi tiêu công. TPHCM đã cho thấy hiệu ứng của tính nhạy bén thị trường ở cả doanh nghiệp, chính quyền và khách hàng.
Cú “lên sóng” ở Cần Giờ của đại diện OCOP thành phố (quy tụ các TikToker, KOLs, KOCs có tiếng trên cả nước) vừa bắt đúng thị hiếu ưa chuộng nguồn hàng nông sản sạch, xanh; vừa kích thích tương tác - tạo dựng lòng tin giữa người nuôi/trồng/bảo quản - người bán - người tiêu dùng; kể cả biết cách để kích hoạt xu hướng mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment).
Vai trò “bà đỡ” của chính quyền thể hiện ở việc Viện Nghiên cứu phát triển, các sở chức năng, UBND huyện Cần Giờ kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thành “đường dẫn - truyền” để “lên sóng” là một chỉ dấu cần được ghi nhận. Riêng huyện đảo Cần Giờ còn mạnh mẽ cam kết “không thể nào đứng ngoài chuyển đổi số và TMĐT”, Bình Khánh được đề xuất làm “xã TMĐT”.
Ngoài 18 sản phẩm OCOP, sắp tới, huyện Cần Giờ sẽ có thêm 22 sản phẩm đang trong quá trình thẩm định, nối liền bà con nông dân, nhà sản xuất ở huyện đảo với… phần còn lại của thế giới! Với tốc độ tăng trưởng 20% mỗi năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Cú vượt mặt Lazada của TikTok Shop (chiếm 16% thị phần, doanh thu hàng hóa hơn 10.000 tỷ đồng, với 90.000 shop tham gia) cho thấy có sự chuyển dịch từ thị trường TMĐT sang thương mại mạng xã hội. Đây chính là cơ hội và xu hướng mới của thương mại, nếu tận dụng và chuyển đổi thành công, TPHCM sẽ khai phá được nhiều tiềm năng và cơ hội mà hình thức mới này mang lại.
Sau sản phẩm OCOP “lên sóng” thành công, có thể tiếp tục thí điểm chương trình livestream bán hàng ở các chợ truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn từ trước và sau đại dịch Covid-19, giúp các tiểu thương, các doanh nghiệp có sản phẩm ấn tượng phát triển kênh bán hàng mới, tiếp cận nhiều tệp khách hàng ở nhiều địa phương, rộng hơn nữa là thị trường quốc tế.
Chưa kể, thành phố cũng là điểm hẹn của nhiều người nổi tiếng là các influencers, KOLs, KOCs, nhà sáng tạo nội dung số... Họ đang tạo dựng một ngành nghề mới và đóng vai trò quan trọng trong thương mại mạng xã hội. Thành phố cần tạo lập một “điểm gặp” dành cho những người có ảnh hưởng trên không gian mạng xã hội để giao lưu, hợp tác và phối hợp nhằm thúc đẩy chuyển đổi thương mại, quảng bá du lịch; kể cả truyền thông chính sách cho quốc gia, thành phố.