Lên số, đổi dung diện

Trước đây, người dân, du khách khi đi tham quan di tích, bảo tàng, lễ hội phải theo người thuyết minh mới biết các giá trị lịch sử của những hình ảnh, hiện vật trưng bày; thì nay có thể tiếp cận thông qua chiếc điện thoại thông minh của mình. Ứng dụng số đem đến một “làn gió mới” cho người làm công tác quản lý văn hóa, lễ hội.

Du khách tham quan các di tích tại Đại nội Huế bằng công nghệ NFC
Du khách tham quan các di tích tại Đại nội Huế bằng công nghệ NFC

Giải quyết nỗi lo mùa lễ hội

Những ngày Tết Ất Tỵ, lượng khách đến tham quan Quần thể di tích cố đô Huế tăng mạnh, nhưng không xảy ra tình trạng xếp hàng chờ đợi để mua vé tham quan như trước. Với tấm vé điện tử, chị Mai Thị Hà, du khách đến từ Nam Định tham quan Đại nội Huế, chỉ phải dừng lại ở cổng soát vé chưa đầy 1-2 phút. “Vé mua trực tuyến, gửi qua email nên rất thuận tiện. Đến nơi, mình chỉ cần đưa điện thoại cho nhân viên soát vé check QR code là xong”, chị Hà chia sẻ.

Đại nội Huế nằm trong Quần thể di tích cố đô Huế với diện tích hơn 30.000m2, bao gồm nhiều di tích, công trình và nhất là hệ thống trục đường phức tạp, vốn không có tên gọi. Điều này gây nhiều khó khăn cho du khách, nhất là những lúc cao điểm. Tuy nhiên, ứng dụng (app) Di tích Huế mà Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế triển khai với chức năng hỗ trợ chỉ đường trong phạm vi Hoàng cung Huế, thì dù không có hướng dẫn viên, du khách vẫn có thể tự tham quan Đại nội một cách thuận lợi.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết, Quần thể di tích cố đô Huế là điểm tham quan nổi tiếng thu hút du khách trong nước và quốc tế, nhất là khi có các chương trình, lễ hội… Để giải quyết “bài toán” quản lý, hỗ trợ lượng du khách lớn, trung tâm đã ứng dụng hàng loạt công nghệ hiện đại, thay đổi cách thức tiếp cận, như: hệ thống vé tham quan điện tử, ứng dụng di động phục vụ khách tham quan Đại nội, định danh cổ vật và triển lãm số… Nhờ vậy, đã giải quyết được những vấn đề quá tải du khách, tránh ùn tắc, thiếu minh bạch về giá cả dịch vụ, thậm chí tránh sai sót trong quá trình đối chiếu.

Tại miền Trung, các lễ hội diễn ra quanh năm. Việc làm mới lễ hội để thu hút du khách đến tham quan là một thử thách. Điển hình như Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2025 (DIFF, diễn ra vào cuối tháng 5-2025) sẽ được nâng tầm với công nghệ AR (thực tế ảo tăng cường). Công nghệ này sẽ tích hợp ứng dụng Sun Paradise Land, cho phép trình diễn hiệu ứng độc đáo, đưa du khách bước vào thế giới của sự tưởng tượng và sáng tạo không giới hạn, giúp nối dài trải nghiệm xem pháo hoa suốt cả mùa hè. Ngoài ra, với các bạn trẻ, trải nghiệm tương tác thực tế ảo với bộ kit DIFF sẽ là những ấn tượng khó quên. Đặc biệt, DIFF còn tạo ra một không gian ảo “kết đôi” giúp các bạn trẻ độc thân có thể kết nối, tìm hiểu nhau khi đang có mặt tại TP Đà Nẵng.

Làng nghề, di tích trong hành trình số hóa

Nằm giữa TP Huế và TP Đà Nẵng, sau khi di tích Hải Vân Quan được số hóa bản đồ du lịch 3D, người dùng Internet từ bất cứ nơi đâu cũng có thể truy cập, thực hiện một cuộc tham quan ảo với 9 điểm quan trọng của di tích. Không chỉ được nghe nhìn câu chuyện ngày xưa, du khách có thể để lại những hình ảnh đẹp trên “bức tường số” của quan ải đầy tính lịch sử này và nhận huy hiệu số - chứng nhận cho hành trình chinh phục “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Hay tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (tỉnh Hà Tĩnh), du khách có thể lưu lại cảm xúc, hay một vài lời nhắn sau chuyến tham quan. Bằng cách này, ứng dụng số giúp cho chuyến tham quan di tích lịch sử của người dân, du khách được cá nhân hóa hơn.

Ứng dụng công nghệ số hóa 3D cũng giúp Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi tăng lượt khách tham quan trong dịp Tết Ất Tỵ 2025. Theo chị Đoàn Thị Thanh Loan, thuyết minh viên bảo tàng, đơn vị đang nỗ lực xây dựng nhiều hình thức trải nghiệm mới cho công chúng như: tạo các tour du lịch ảo, các lớp học lịch sử online, thiết kế nội dung chương trình trải nghiệm với hình ảnh 3D, video âm nhạc, trưng bày ảo... Để làm được vậy, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện số hóa cho hơn 40 di vật, hiện vật. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá ít so với hơn 22.000 hiện vật mà bảo tàng đang sở hữu. Từ đầu năm 2025 đến nay, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đã đặt thêm QR code cho hơn 300 hiện vật.

Tại vườn hoa quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), 10 tác phẩm xuất sắc của cuộc thi Điêu khắc đá mỹ nghệ non nước Ngũ Hành Sơn năm 2023 đã được gắn chip công nghệ blockchain (công nghệ chuỗi khối). Chỉ cần một chạm, hay quét QR code, khách tham quan có thể xem được thông tin, hình ảnh về quá trình hoàn thiện sản phẩm, tác giả, địa điểm chế tác… Từ đó, có thêm sự hiểu biết về nghệ thuật chế tác đá truyền thống của các nghệ nhân Ngũ Hành Sơn.

Bên cạnh đó, công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo hộ quyền tác giả của các tác phẩm cũng như hỗ trợ quảng bá sản phẩm.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng, cho biết, không ít sản phẩm văn hóa của Đà Nẵng đã được nhiều người dân trong và ngoài nước biết đến thông qua nền tảng số Danangchain. Không chỉ vậy, nền tảng này cũng góp phần gắn kết người làm ra sản phẩm cũng như người có nhu cầu về sản phẩm, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Từ đó, người ta biết nhiều đến văn hóa, con người Đà Nẵng, biết nhiều đến Việt Nam hơn.

Tin cùng chuyên mục