Ông Hồ Ngọc Nam, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Đà Lạt cho biết, theo quy định thì trường hợp chủ đầu tư tự phá dỡ thì phải được thực hiện theo phương án, giải pháp phá dỡ được duyệt, bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện chủ đầu tư chưa có phương án phá dỡ.
Ông Nam cho biết thêm: “Sau khi chủ đầu tư xây dựng và phê duyệt phương án tháo dỡ, cơ quan chức năng sẽ giám sát các hoạt động này để đảm bảo an toàn, đúng quy định”.
Trước đó, UBND TP Đà Lạt đã ra thông báo yêu cầu Công ty CP Hoàng Gia ĐL tháo dỡ toàn bộ diện tích công trình trái phép (hơn 20.000m²) trong vòng 15 ngày, tính từ ngày 21-5.
Sau đó, ngày 29-5, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định thu hồi giấy phép xây dựng một phần tầng hầm khối dịch vụ golf 1 thuộc tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù, với diện tích hơn 2.600m².
Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cũng tiến hành rà soát các quy định về đất đai và môi trường đối với tòa nhà câu lạc bộ golf ghi nhận trong lần điều chỉnh thứ 10 vào ngày 15-6-2022 cho Công ty CP Hoàng Gia ĐL, có bổ sung công trình tòa nhà câu lạc bộ golf với tổng diện tích 15.670m², trong đó có hơn 5.600m² đất rừng phòng hộ.
Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng thừa nhận đã có sơ suất khi trước đây đề xuất chuyển mục đích sử dụng hơn 5.600m² đất rừng phòng hộ mà không rà soát đến quy định tại Nghị định số 52/2020-NĐ-CP (không được phép sử dụng cho mục đích xây dựng sân golf).
Trước đó, Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL có văn bản gửi UBND TP Đà Lạt cho biết sẽ tháo dỡ công trình tòa nhà câu lạc bộ golf đồi Cù bắt đầu từ 9 giờ ngày 11-6. Đại diện chính quyền và đơn vị liên quan được mời đến chứng kiến và phối hợp dỡ bỏ.
Cũng trong sáng 11-6, hơn chục công nhân cùng 1 máy múc được huy động đến hiện trường để chuẩn bị cho việc tháo dỡ nhưng mọi việc chưa diễn ra theo kế hoạch ban đầu.
Theo các chuyên gia, để xảy ra những công trình không phép, sai phép quy mô lớn trên địa bàn TP Đà Lạt thời gian qua một phần do sự lãnh đạo, chỉ đạo của các sở, ban, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương còn thiếu sự quyết liệt kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm còn lỏng lẻo, có dấu hiệu bao che.
Thượng bất chính, hạ tất loạn. Vì vậy, bên cạnh việc xử lý mạnh tay với những công trình sai phạm, để các tổ chức và cá nhân tuân thủ pháp luật đầu tư – xây dựng thì cũng cần xử lý nghiêm cán bộ trực tiếp phụ trách vi phạm trong thực thi nhiệm vụ. Chỉ khi nêu cao kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ công chức mới mong dẹp được nạn thỏa hiệp, tiêu cực trong lĩnh vực xây dựng.