Nhiều áp lực khi học trực tuyến
Theo PGS-TS Nguyễn Phương Thảo, Trưởng nhóm nghiên cứu về sự tác động của Covid-19 đến sức khỏe tâm thần của sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM, dịch bệnh này đã và đang là mối lo ngại hàng đầu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm thần, nhất là đối với thanh thiếu niên nói chung và sinh viên nói riêng. Khảo sát được tiến hành từ ngày 18 đến 25-10 trên nền tảng trực tuyến cho sinh viên theo học tại ĐH Quốc gia TPHCM, gồm 6 nội dung: việc giảng dạy và đánh giá sinh viên trực tuyến; tâm thần và sức khỏe của sinh viên trong giai đoạn Covid-19; Covid-19 và quan điểm của sinh viên về nghề nghiệp; Covid-19 và tài chính cá nhân, gia đình; ý kiến về các chính sách hỗ trợ người học; thông tin cá nhân.
Khảo sát thực hiện trên 37.150 sinh viên cho thấy, trong các áp lực tâm lý mà sinh viên phải chịu, vấn đề áp lực học tập trực tuyến được ghi nhận cao nhất (65,1%). Ngoài ra, còn có áp lực tâm thần đáng kể khác là: nỗi lo lắng khả năng đóng học phí (58,9%); có mâu thuẫn với gia đình trong vấn đề thấu hiểu (27,7%) hay làm việc quá sức (27,1%).
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài, thành viên nhóm nghiên cứu, kết quả khảo sát cũng cho thấy, áp lực học trực tuyến xuất hiện nhiều từ năm thứ 1 đến năm 3 và giảm dần ở những năm về sau, trong khi vấn đề ngại tiếp xúc với người khác gia tăng đều theo năm học của sinh viên từ năm 1 tới năm 6. Cùng với đó, có đến 56,8% sinh viên thiếu tập trung hoặc không có hứng thú trong học tập. Ngoài ra, nhiều sinh viên không hài lòng với chất lượng bài giảng trực tuyến, đánh giá áp lực học trực tuyến không khác biệt với các nhóm khác nhưng lại chịu các áp lực cao hơn và cũng là nhóm thường gặp vấn đề sức khỏe tâm thần hơn các nhóm khác (65,1%).
GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, cho biết, những hạn chế của việc học trực tuyến so với học trực tiếp là không thể tránh khỏi nhưng dễ thấy nhất là làm giảm tính năng động, tương tác và tập trung của người học. Đó là chưa nói, với các môn thực hành, thực tập… không thể dạy trực tuyến và ảnh hưởng đến tiến độ học tập, tốt nghiệp của sinh viên. Sinh viên các ngành kỹ thuật, công nghệ của trường bị trễ hạn tốt nghiệp do không thể hoàn tất các tín chỉ của phần học thực hành.
Lo nhất là vaccine cho sinh viên
Đại diện nhiều trường ĐH, CĐ tại TPHCM đều cho rằng dù đã chuẩn bị tất cả các kịch bản lẫn phương án, song vấn đề các trường lo nhất chính là còn khá nhiều sinh viên chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine Covid-19. Trường ĐH Y Dược TPHCM vừa quyết định việc tổ chức giảng dạy và học tập trung trở lại các môn học lý thuyết tại trường từ ngày 29-11. Đây là trường đầu tiên ở TPHCM có lịch cụ thể cho sinh viên học lý thuyết tập trung. Đối với học thực hành tại bệnh viện và các cơ sở bên ngoài, trường sẽ thông báo cụ thể khi có thông tin từ các cơ sở thực hành.
Trường đã chuẩn bị mọi phương án, mọi kịch bản khi cho sinh viên đi học trở lại. Trạm y tế trường cũng đã trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế, có khu vực cách ly theo quy định; đồng thời phối hợp với các khoa, phòng ban và Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM lập danh sách, lên kế hoạch hỗ trợ tiêm vaccine cho sinh viên, học viên. Ký túc xá của trường cũng thường xuyên hướng dẫn về phòng chống dịch và kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch; bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ vệ sinh, thùng đựng rác và chất thải có nắp đậy, đặt ở vị trí phù hợp; thực hiện 5K đối với viên chức, người lao động, người học và khách đến ký túc xá.
Theo TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, dự kiến trong tháng 11, trường sẽ đón sinh viên trở lại học tập trung. Khảo sát vừa qua có 2.500 sinh viên chưa tiêm vaccine và trường sẽ tổ chức tiêm cho các em nếu có nguyện vọng. Hiện nay, nhà trường đã cho sinh viên năm cuối trở lại trường để hoàn thành đồ án, khóa luận tốt nghiệp, tuy nhiên phải đảm bảo yêu cầu tiêm đủ 2 mũi vaccine, tuân thủ 5K.
TS Phan Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, không giấu băn khoăn, theo kế hoạch, học kỳ 1 năm nay sinh viên của trường vẫn học trực tuyến. Tuy nhiên, hiện nhà trường đã cho sinh viên học thực hành, thực tập theo nhóm nhỏ để xét tốt nghiệp cho sinh viên. Qua thống kê, hiện trường mới có 20.000 sinh viên được tiêm vaccine (hơn 70%). Trường đã chuẩn bị sẵn các phương án cũng như nguồn vaccine để tiêm khi cho các em đi học tập trung trở lại. Dự kiến sang học kỳ 2, trường sẽ có lịch học cụ thể tùy theo tình hình thực tế.
Giữa tháng 10, nhiều trường ĐH, CĐ tại TPHCM đã đồng loạt cho phép sinh viên trở lại trường để học tập, thực hành, làm luận văn tốt nghiệp. Khi vào học, sinh viên phải tuân thủ 5K, quét mã QR ngay cổng trường, tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh. Hiện nay nhiều trường cũng đã có phương án cho sinh viên trở lại học tập trung.
Trung tâm Quản lý ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia TPHCM được giao chuẩn bị văn bản gửi UBND TPHCM và tỉnh Bình Dương để tiếp nhận lại KTX. Hiện tại KTX đã tiếp nhận online 26.000 sinh viên cũ và dành khoảng 10.000 chỗ ở cho tân sinh viên. Trung tâm cũng làm việc với từng trường ĐH (30 trường) về thời gian tiếp nhận sinh viên cũ, tân sinh viên khi vào học tập trung trở lại. Khi nào đủ điều kiện (nhất là sinh viên tiêm đủ 2 mũi vaccine) mới mở cửa đón sinh viên trở lại. |