Theo Bộ GTVT, Vietnam Airlines đã xây dựng 4 phương án kế hoạch bay và hiện đang chờ đối tác cung cấp dịch vụ xác nhận về khả năng đáp ứng khai thác máy bay.
Cụ thể, phương án 1, sẽ sử dụng 1 máy bay A350, hành trình Hà Nội - Bata - Hà Nội.
Phương án 2, sử dụng 1 máy bay A350, hành trình Hà Nội - Bata - Malabo - Hà Nội, áp dụng khi sân bay Bata không thể cung ứng nhiên liệu.
Phương án 3, sử dụng 1 máy bay A350, hành trình Hà Nội - Malabo - Hà Nội, trong trường hợp sân bay Bata không thể cung ứng nhiên liệu và không đáp ứng yêu cầu bổ sung xe cứu hỏa.
Phương án 4: sử dụng 2 máy bay A321, trong đó 1 máy bay chở khách dương tính với Covid-19 (khoảng 120 khách), 1 máy bay chở khách bình thường (khoảng 10 khách), hành trình Hà Nội - Dubai (UAE) - Bata - Jeddah ( Ả-rập Xê út) – Ahnedabad (Ấn Độ) - Hà Nội.
Phương án này thuận lợi cho công tác chống lây nhiễm trên máy bay, tuy nhiên sẽ gặp các khó khăn trong việc xin cấp phép bay của các nước đối với các chuyến bay chở người bệnh, thời gian bay dài, nhiều điểm cất hạ cánh, điều kiện nghỉ ngơi của phi hành đoàn không đủ tiêu chuẩn…
Bộ GTVT cho biết sẽ lựa chọn phương án tối ưu trong điều kiện thực tế để thực hiện chuyến bay sớm nhất có thể.
Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại các nước làm việc với chính quyền sở tại sớm cấp phép bay cho các chuyến bay nhân đạo, đồng thời phối hợp với Bộ LĐ, TB&XH tập hợp hành khách vào thời gian và địa điểm thống nhất.
Các đơn vị liên quan cũng cần làm việc với gia đình các bệnh nhân để thống nhất phương án xử lý tình huống phát sinh liên quan đến sức khỏe bệnh nhân trên chuyến bay.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần xây dựng kịch bản, yêu cầu đảm bảo phòng chống dịch trên máy bay và xử lý các tình huống có thể xảy ra đối với hành khách trên chuyến bay và sau khi kết thúc chuyến bay.