Lên án trục lợi từ thiện: Rúng động với “bác sĩ Khoa”

LTS: Những ngày qua, câu chuyện “bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ để nhường ống thở cho sản phụ đang mổ song sinh” đi từ xót thương đến phẫn nộ. Vụ việc trên có phải là hành vi trục lợi từ làm từ thiện hay không sẽ do các cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Vấn đề đặt ra ở đây là lòng tốt của xã hội có đang bị một số nhóm từ thiện lạm dụng, và sẽ còn bao nhiêu “bác sĩ Khoa” lừa lọc lòng tin của cộng đồng? Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện cần được kiểm tra tính minh bạch, để các hoạt động nghĩa tình được thực hiện đúng mục đích.
Ảnh chụp màn hình bài viết được đăng trên tài khoản “bác sĩ Khoa”
Ảnh chụp màn hình bài viết được đăng trên tài khoản “bác sĩ Khoa”

Câu chuyện được bắt nguồn từ 2 facebooker Huỳnh Mai An Đông và Ngân Hà Trần diễn tả trên trang cá nhân đầy đủ hành vi một bác sĩ chữa bệnh cho mẹ, nhưng khi biết không thể cứu được đã tự rút ống thở của mẹ để nhường ống thở cho sản phụ song thai đang cần máy thở. 

Dẫn dắt dư luận

2 facebooker trên còn diễn tả và cung cấp đoạn tin nhắn của nhóm bác sĩ nhờ vị bác sĩ này đến mổ cho thai phụ ngay sau khi bác sĩ này rút ống thở của người mẹ. Tuy nhiên, các bài này không nêu rõ tên bác sĩ Khoa. Thậm chí, chủ tài khoản Huỳnh Mai An Đông đã chủ động chia sẻ đoạn chat giữa chị với người được cho là bác sĩ: “E làm đúng không? Ha ha... 1 mạng, 2 đứa trẻ là 3 và mẹ, chọn ai? 3/1” và chị này nói rõ, bác sĩ ấy là bạn chị ngoài đời thật!

Sở dĩ sự kiện được nhiều người quan tâm vì người cả tin thì chia sẻ, khóc thương; còn người tỉnh táo đặt câu hỏi: Vì sao bác sĩ được quyền rút ống thở của bệnh nhân, khi luật không cho phép; con rút ống thở của mẹ thì đạo đức không cho phép; tại sao bệnh nhân Covid-19 nằm chung với sản phụ mổ; tại sao thiếu máy thở đến độ phải chia sẻ cho phòng mổ, và hàng loạt câu hỏi khác được đặt ra.

Và một số nội dung tiếp tục hé mở trong sáng hôm sau. Facebook Jang Kều (chủ Tập đoàn #SốngFoundation; các Chương trình #BeStrong, trước đây là hagtag #3AHoahướngdương và tháng qua là vận động #máythởchobệnhnhâncovid...) đăng và thông báo: “Đã liên hệ được với bs Khoa rồi, bs Khoa làm ở bv Chợ Rẫy, có đăng cả đoạn chat nhờ bs Khoa mổ ngay sau khi mất mẹ. Và ngay trong đêm, Jang Kều quyết định tặng máy thở cho Chợ Rẫy, làm ngay công văn có con dấu hẳn hoi gửi Chợ Rẫy và post fb”. 

Sau đó, các cơ quan báo chí vào cuộc, tìm hiểu thì ở Bệnh viện Chợ Rẫy không có bác sĩ Khoa cũng không có sự việc rút ống thở. Dư luận lại xoáy vào Jang Kều, vì đã dẫn dắt dư luận việc ủng hộ máy thở cấp tốc, lại có cả bài giữa khuya của cô Ngân Hà Trần đính kèm tên Jang Kều, khen ngợi đã ủng hộ kịp thời. Trong khi đó, Jang Kều là chủ các tài khoản đang vận động máy thở cho bệnh nhân Covid-19 thời gian qua.

Ai dựng nên vở kịch?

Để xác minh sự thật về “bác sĩ Khoa”, chúng tôi đã gọi điện thoại cho Huỳnh Mai An Đông, người xưng là bạn bác sĩ Khoa, thì Đông cho biết, Khoa là Việt kiều, đang làm ở Bệnh viện Hạnh Phúc, phải nhờ quen biết mới xin được vào Bệnh viện quận 9 để chăm sóc mẹ bệnh và rút ống thở nhường cho thai phụ. Hiện “bác sĩ Khoa” đang tham gia Nhóm 82 giúp bệnh nhân Covid-19. Chúng tôi thấy ngờ ngợ về quy trình chữa bệnh cứu người nên hỏi một bác sĩ sản khoa Bệnh viện Từ Dũ, vị bác sĩ này cho hay: “Bệnh viện quận không được phép mổ sản phụ song thai mắc Covid-19”. Cũng ngay sau đó, Sở Y tế TPHCM thông báo: “Không có vụ việc bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ để nhường cho sản phụ”.

Vậy nhóm 82 gồm những ai và “bác sĩ Khoa” nắm vai trò gì trong nhóm này? Theo thông tin tìm hiểu, nhóm 82 có một số người đều là “tiến sĩ, giáo sư” ở Singapore, trong đó nhiều người bị ung thư, người thân bị ung thư và “đáng quý” khi tất cả mọi người trong nhóm này, dù bệnh nặng nhưng đều làm thiện nguyện! Cũng có thể, những facebooker này là ảo, nhằm chuẩn bị cho một kế hoạch kêu gọi từ thiện sắp tới cho bệnh nhân ung thư. Trong nhóm 82, có Facebooker Thy Nguyen, tên thật là Nguyễn Thị Minh Thy, là kế toán của nhóm. Nhân vật này không thể “ảo” được vì là người cung cấp số tài khoản cá nhân để nhận từ thiện cho nhóm 82. Đến chiều 10-8, các trang facebook cá nhân của nhóm “giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ” này đã biến mất.

Cuối cùng, câu hỏi lớn nhất vẫn là ai dựng nên vở kịch thương tâm đánh vào lòng trắc ẩn, lấy đi nước mắt của bao người? Tại sao họ cùng bịa ra câu chuyện dối trá, nhằm mục đích gì? Nhất là khi hiện nay, nhiều chương trình từ thiện được nhiều nhóm và cá nhân đứng ra tổ chức, có chiến lược truyền thông bài bản, thậm chí chạy quảng cáo các bài xin tiền trên facebook? 
----------------
Báo SGGP sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những số báo tiếp theo về các chiêu thức vận động từ thiện, cách mà những nhóm làm từ thiện chuyên nghiệp qua mặt người đóng góp.

Sau khi Thanh tra Sở TT-TT TPHCM làm việc và xử phạt chủ thể đăng ký và sử dụng 2 tài khoản facebook liên quan đến vụ việc “bác sĩ Khoa” có nội dung không đúng sự thật, ngày 10-8, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở TT-TT, cho biết sẽ phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xác minh và xử lý theo quy định đối với một số cá nhân có liên quan. Đây là những cá nhân  tương tác trao đổi, cung cấp thông tin trên tài khoản “Trần Khoa” có dấu hiệu giả mạo nhằm mục đích vụ lợi. 

Ban Giám đốc Công an TPHCM cũng đã chỉ đạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Phòng An ninh chính trị nội bộ và các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc xác minh, điều tra liên quan đến vụ “bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ cứu sản phụ’”.

BÁ TÂN - MẠNH HÒA - VĂN MINH

Tin cùng chuyên mục