Đòi hỏi bất hợp pháp
Trong tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, ông John Bolton nêu rõ: “Việc Trung Quốc gần đây gia tăng động thái nhằm đe dọa nước khác không được khai thác các nguồn tài nguyên ở biển Đông đang gây quan ngại”.
Ông Bolton nhấn mạnh, Mỹ ủng hộ mạnh mẽ những nước bị ảnh hưởng bởi hành vi bức ép và phản đối các hành động của “chiến thuật ức hiếp” vốn đe dọa an ninh và hòa bình khu vực, đồng thời cho biết Mỹ quyết sát cánh cùng các bên phản đối hành vi bức ép này.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn ở biển Đông, cùng với các hành động khác nhằm khẳng định những đòi hỏi bất hợp pháp của Bắc Kinh ở vùng biển này, bao gồm cả việc sử dụng quân sự trên biển để đe dọa các quốc gia khác, là hành động làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực. Những hành động này đang can thiệp vào việc thăm dò và sản xuất dầu mỏ cũng như khí đốt mà các nước đã tiến hành từ lâu, đặc biệt là của Việt Nam.
Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 18-8, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein phản đối hoạt động phi pháp của Trung Quốc, đồng thời ủng hộ quyền bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam cũng như quyền được phép hoạt động trong vùng biển của mình.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí, Đại tướng Goldfein và Đại tướng Charles Brown Jr., Tư lệnh không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, đã khẳng định cam kết của Mỹ trong khu vực mà ông Goldfein đã từng trả lời báo giới Philippines nhân chuyến thăm Manila ngày 16-8.
Theo Tham mưu trưởng không quân Mỹ David Goldfein, chính quyền Washington tái khẳng định cam kết sẽ “không ngừng duy trì sự sẵn sàng và khả năng điều chiến hạm hoặc máy bay tuần tra tại bất cứ khu vực hoặc bất cứ thời điểm nào chúng tôi thấy cần thiết”.
Cần áp dụng các chuẩn mực quốc tế
Giáo sư quan hệ quốc tế Lee Woong-Hyeon, Chủ tịch Viện Nghiên cứu địa chính trị Hàn Quốc, cho rằng việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại khu vực bãi Tư Chính là hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Giáo sư Lee Woong-Hyeon nhấn mạnh, các nước không nên từ bỏ những nỗ lực sử dụng các chuẩn mực quốc tế để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp. Có một khung pháp lý cho hòa bình và an ninh ở biển Đông bên cạnh nguyên tắc chung lâu nay về tự do hàng hải là Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Đây là khung tham chiếu pháp lý quan trọng nhất mà Chính phủ Việt Nam có thể củng cố lập trường của mình. Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) năm 2016 cũng đã bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở biển Đông.
Giáo sư Lee Woong-Hyeon cho rằng, trong cuộc khủng hoảng đe dọa an ninh và chủ quyền, Việt Nam cần duy trì sự thống nhất về chiến lược, lý luận và chính sách. Điều này sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và có thể có được vị thế vững chắc hơn. Và điều cần thiết là các học giả và các nhà nghiên cứu lịch sử cần chuẩn bị cho cuộc tranh luận có thể diễn ra về chủ quyền hợp pháp đối với vùng biển này với các bằng chứng lịch sử và dựa trên quy định của luật pháp quốc tế.
Trong một động thái cứng rắn khác, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây yêu cầu tăng cường an ninh, buộc các tàu chiến nước ngoài phải thông báo trước và chỉ có thể đi vào vùng biển Philippines sau khi được cho phép.
Tờ Inquirer ngày 20-8 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nhận định: “Đây là một diễn biến tốt vì chúng ta có quyền thực thi luật pháp của mình trên lãnh hải của chúng ta”.