Lê Vũ Trường Giang không phải là cái tên xa lạ trong đời sống văn chương. Có giai đoạn, anh tham gia sôi nổi, vừa với vai trò sáng tác, vừa là biên tập viên cho một tạp chí văn nghệ. Trình làng tập truyện ngắn đầu tiên Ngủ giữa trùng sơn vào năm 2013, từ đó anh lần lượt ra mắt các tác phẩm Đi như là ở lại (bút ký), Nở tàn biên niên ký (bút ký), Khúc phong cầm trên cát (bút ký), Căn cước xứ mưa (tản văn) và gần đây là tập truyện ngắn Bạc màu áo ngự. Anh cũng nhiều lần ghi tên mình tại các giải thưởng như giải nhì cuộc thi truyện ngắn trẻ Tạp chí Sông Hương 2009-2010, giải nhì cuộc thi truyện ngắn - bút ký Tạp chí Cửa Việt 2018-2019, giải ba cuộc thi truyện ngắn Lửa mới của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2018-2019…
Viết nhiều thể loại, nhận nhiều giải thưởng, nhưng có lẽ với Lê Vũ Trường Giang, truyện ngắn vẫn là địa hạt mà anh đam mê và tâm huyết hơn cả. Vậy nên, những truyện ngắn bao giờ cũng được anh đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng trước khi công bố. Đó cũng là lý do mà phải 8 năm sau kể từ tập truyện ngắn đầu tiên, Giang mới lại có tập truyện thứ hai.
“Thực tế là tác phẩm luôn có trong máy, nhưng tôi muốn chờ để tập hợp theo một dạng đề tài mà mình hướng đến. Trong khoảng thời gian đó, tôi cũng tìm kiếm những bút pháp mới, rồi gặp phải dịch bệnh khiến bản thảo cũng bị chững lại vài năm. Có thể 8 năm mới trở lại có phần muộn màng, nhưng tôi muốn có sự chắc chắn và chỉn chu”, Lê Vũ Trường Giang chia sẻ.
13 truyện ngắn trong Bạc màu áo ngự vừa cho thấy một trí tưởng tượng vô cùng phong phú và không giới hạn, vừa cho thấy một tình yêu với lịch sử nước nhà. Tập truyện thuần đề tài lịch sử, trong đó, chiến tranh được đặc tả dày hơn để thấy được thân phận con người trong những ngày tháng loạn lạc. Và đặc biệt, không gian trong các truyện ngắn được trải dài từ Ái Tử, Khe Sanh (Quảng Trị), Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), tới Gò Bồi (Bình Định), rồi mở rộng sang cả Algérie, TP New York (Mỹ).
Nhận xét về tập truyện ngắn Bạc màu áo ngự, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nói: “Với các nhân vật có danh phận, tác giả chọn điểm nhìn khách quan nhất, loại bỏ tinh thần ngưỡng vọng mặc định, cũng không sa vào thái độ suồng sã, bỡn cợt. Lê Vũ Trường Giang cho ta thấy lịch sử không phải là đối tượng để thả vào đó tình cảm thiên lệch, hơn thế, nó được dựng lại để nhìn ra bài học mà nó thuộc về”.
Có một điều thú vị là những ngày cuối năm 2022, trên các phương tiện truyền thông rộ lên câu chuyện hồi hương tranh vua Hàm Nghi vẽ khi bị lưu đày ở Alger (thủ đô của Algérie). Nhưng trước đó, vào năm 2016, Lê Vũ Trường Giang đã công bố truyện ngắn Bạc màu áo ngự, viết về những năm tháng lưu đày của vua Hàm Nghi ở Alger, đặc biệt là quá trình ông tìm đến với hội họa.