Trên cơ sở đặc trưng văn hóa của con người và vùng đất cố đô triều Hồ, với mục tiêu quảng bá giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đến với nhân dân và du khách, Lễ Thượng nêu - thả cá ông Công, ông Táo và Chương trình Âm vang cố đô đã tái hiện lại truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bồi đắp tình yêu, lòng tự hào về văn hóa, di sản Thành Nhà Hồ đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.
Lễ dựng nêu hay còn gọi là lễ Thượng tiêu - Thượng nêu là nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Lễ thường tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp. Khi cây nêu được dựng lên là báo hiệu ngày tết chính thức bắt đầu.
Trong các triều đại quân chủ Việt Nam, tục dựng cây nêu được đưa vào Hoàng cung và sử dụng như một phong tục, điển chế của triều đình. Khi lễ Thượng nêu thực hiện là thông báo thời khắc năm mới đã đến, triều đình sẽ tạm dừng mọi hoạt động và chỉ tập trung đón tết; đồng thời nghi lễ Thượng nêu cũng thể hiện sự cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi phát triển, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Thả cá chép ngày Tết ông Công, ông Táo không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông mà còn thể hiện truyền thống nhân đạo, sống chan hòa với tự nhiên của dân tộc ta. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ thực hiện nghi lễ thả cá chép trong nội thành với ý nghĩa tổng kết một năm hoạt động với nhiều thành công và kết quả tốt đẹp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản Thành Nhà Hồ; đồng thời qua đó cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với nhân dân và vùng đất vốn đã từng là kinh đô của Vương triều Hồ.
Trong chiều 1-2, khoảng hơn 1.000 em học sinh trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đã tham dự cuộc thi Rung chuông vàng, với chủ đề Âm vang cố đô.