Vikto Frankl (1905-1997) là một trong số hàng triệu người chịu ảnh hưởng từ tội ác của Đức Quốc xã, đồng thời, cũng là một trong số ít những người có thể sống sót từ trại tập trung. Quãng thời gian bị tù đày đã giúp ông nhận ra bản chất thật sự của việc sống và phát triển cho Liệu pháp ý nghĩa (logotherapy) mà ông nghiên cứu sau này.
Mười một tháng sau khi được giải phóng khỏi cảnh địa ngục trần gian của Đức Quốc xã, Viktor Frankl đã tổ chức một loạt buổi diễn thuyết trước công chúng ở Vienna về mục đích và sự thiêng liêng của cuộc sống. Ba bài giảng cốt lõi của ông trong chuỗi diễn thuyết được biên tập thành tập sách Lẽ sống (tựa gốc: Yes to Life: In Spite of Everything). Cuốn sách được xuất bản ở Đức vào năm 1946, sau khi ông hoàn thành cuốn Đi tìm lẽ sống kinh điển.
Chỉ với khoảng 136 trang nhưng Lẽ sống chứa đựng những phần quan trọng và có giá trị phổ quát nhất trong chuỗi bài diễn thuyết của Frankl. Cuốn sách được chia thành ba phần chính với ba bài diễn thuyết, xoay quanh phân tích ý nghĩa cuộc đời trong những hoàn cảnh khác nhau.
Mục đích của ba bài diễn thuyết này là để bạn đọc thấy rằng, con người - mặc những thử thách cam go, thậm chí là cái chết (bài diễn thuyết đầu tiên), mặc những đau khổ từ bệnh tật (bài diễn thuyết thứ hai), hoặc cả dưới tác động của số phận (bài diễn thuyết thứ ba), vẫn có thể tin yêu cuộc sống này.
Những bài giảng của Frankl, vốn là nền tảng của cuốn sách, được viết ra khi ông bốn 41 tuổi. Thời điểm đó, Frankl đã kinh qua những trải nghiệm tồi tệ nhất: Mất vợ, mất con, mất gia đình, chịu cảnh tù đày khổ sai, bị hành hạ dã man… Nhưng cả trong những tình huống vô vọng nhất, Frankl không chỉ vượt qua mà còn giúp đỡ và chữa bệnh cho các tù nhân khác.
Trong những bài diễn thuyết, Frankl không ngừng động viên con người nên quay về với chính bản thân mình. Bởi tất thảy những gì chúng ta có - tiền bạc, quyền lực, danh vọng - đều không có gì là vững chắc. Tất thảy đều có thể bị số phận tước đoạt. Khi đó, cái chân chính còn tồn tại chỉ là chúng ta, là con người, ngoài ra không còn gì khác. Do vậy, quay về với bản thân là bước đầu tiên trong hành trình tìm ra lẽ sống mà Frankl muốn đề cập.
Lẽ sống không tập trung vào cuộc sống của Frankl trong trại tập trung, thay vào đó, nó là phần cô đọng những gì mà Frankl đã đúc kết được trong quá trình này. Thông qua ba bài giảng ngắn gọn, Frankl đã chỉ dẫn và khuyến khích mọi người tự tìm lối thoát khỏi những năm tháng khốn khổ đã qua.
Trong Lẽ sống, ông tin rằng việc ý thức được ý nghĩa, mục đích hay mục tiêu trong cuộc sống sẽ thúc đẩy con người tiến lên, ngay cả khi phải đối mặt với những điều đau khổ và tồi tệ nhất. Niềm tin này giống như chiếc la bàn giúp con người định hướng để tiến về phía trước.
Điều đáng kinh ngạc là tuy được viết gần một thế kỷ trước, nhưng những bài diễn thuyết và triết lý của Frankl vẫn nguyên vẹn giá trị và có ý nghĩa đến tận ngày nay. Nó không chỉ nhắc nhở con người về quá khứ mà còn ứng dụng vào cuộc sống hiện tại với những hoàn cảnh có thể gặp phải sau này.