Quên mất dạ thưa
Đã không ít lần bà L.T.Thủy (64 tuổi) buồn lòng khi các cô dì, chú bác trong nhà nói đến K., con trai bà, rằng “cái thằng, cạy miệng không nói được câu chào hỏi nào luôn”, “nó bận quá hay sao mà cứ cắm đầu vô điện thoại miết, không chào được câu nào hết chị Thủy?”. Có lần, cậu Năm ở dưới quê lên thành phố, mang ít quà quê ghé thăm gia đình bà nhưng cả hai vợ chồng bận đi công chuyện, ở nhà có mỗi K. Dẫn cậu vô nhà, K. rót nước cho cậu rồi để cậu ngồi một mình không nói một câu; còn mình thì bấm điện thoại, lướt mạng xã hội… Sau đó, cậu Năm hỏi câu nào K. cũng ra chiều trả lời, nhưng cụt lủn, vì đang bận… trả lời bạn bè trên mạng.
Chiều tối về tới nhà, thấy túi quà trái cây quê với con gà cột ở góc sân, bà Thủy hỏi ra mới biết cậu Năm mang lên và đi về rồi. “Gọi điện cho cậu thằng K., ổng nói tính lên ở lại chơi với anh chị một bữa mà nhà không có ai. Lúc tới có K. mà ngồi một hồi, nó nói sắp đi công việc với bạn bè, không ai ở nhà tiếp nên thôi ổng về. Nhắc đến vụ này, tui buồn thằng con mình dữ. Cậu ở quê lâu lâu mới lên chơi thì cũng phải biết lễ phép hỏi thăm rồi giữ cậu ở lại. Có ai như nó… ”, bà Thủy kể.
Cũng không riêng gì con trai bà Thủy, nhiều bạn trẻ, thanh niên hai mấy, ba mươi tuổi cũng quên mất “dạ thưa” hay những phép tắc chào hỏi, cảm ơn thông thường. Anh Trần Thành An (31 tuổi, sống ở Hiệp Thành Building, quận 12, TPHCM) tỏ ra bực bội khi nhận được email, cuộc gọi của một đồng nghiệp nhỏ tuổi nhờ vả nhưng thiếu lễ phép. “Anh An gửi cho em số điện thoại của chị khách hàng bên quận 1 chiều nay vừa gặp gấp. Em cần ngay bây giờ để liên hệ thêm công việc phía công ty mới giao - bạn ấy nhắn cho mình như vậy đó.
Bạn nhỏ tuổi hơn mình nhưng cách nhắn tin thiếu thưa gửi lễ phép làm mình rất không hài lòng. Nhất là khi bạn ấy đang nhờ mình hỗ trợ công việc, ít nhất cũng phải biết cách nói năng, thể hiện câu chữ sao cho phù hợp. Sau đó, mình cũng giúp, gửi số điện thoại khách hàng cho bạn thì nhận được tin nhắn “OK anh” và không một lời cảm ơn. Lời nói không mất tiền mua, nhưng bạn không biết cách lựa lời mà nói thành ra sau này mình không muốn hỗ trợ nữa”, anh An kể.
Còn chị Quỳnh Như (nhân viên văn phòng tại quận 7, TPHCM), khi nhắc đến các con của sếp mình, thường tặc lưỡi: “Một số sếp hay dẫn các con vào cơ quan. Tôi thấy các bé phần lớn khá ngoan, biết giữ trật tự nơi làm việc của ba mẹ. Tuy nhiên, cũng có một số bé thường quên chào hỏi người lớn, ít trả lời ai khi được hỏi thăm. Có bé còn ra vẻ xa cách, như thể các cháu hiểu được vị trí xã hội của ba mẹ mình. Con nít vốn chưa hiểu gì đâu nhưng có thể cách người lớn chỉ dạy không phù hợp đã ảnh hưởng đến cách ứng xử của các bé”.
Kịp thời uốn nắn trẻ
Có một lần, vào bệnh viện, được y tá hỗ trợ nhiệt tình, kèm theo tiếng “dạ thưa” ân cần, chú Nguyễn Văn Bình (65 tuổi, ngụ Thủ Đức, TPHCM), xúc động: “Lúc tui còn nhỏ, gặp người lớn phải vòng tay chào chứ không chỉ có dạ thưa thôi đâu. Tui thấy nhiều nơi ở dưới quê vẫn còn giữ nếp này. Ngày lễ, tết, giỗ… mấy đứa con nít, thanh niên vẫn vòng tay chào người lớn. Còn ở thành phố mà bắt bọn nhỏ khoanh tay chào mình hơi bị khó. Bây giờ gặp người lớn gật đầu một cái đã là có… giáo dục lắm rồi. Bởi vậy, thấy cô y tá dạ thưa với bệnh nhân mà tự nhiên tui cảm động lạ lùng”.
Từ gia đình đến xã hội, lễ phép là bài học đầu tiên và thường xuyên mà ông bà, cha mẹ dạy cho con cháu, thầy cô dạy cho học sinh của mình. “Tiên học lễ, hậu học văn” là vậy, việc đặt lễ phép trước học thuật từ lâu nay đã nhấn mạnh vai trò của giáo dục là tạo một người tử tế trước khi có một người giỏi về chuyên môn. Thế nhưng, thời nay, “dạ thưa” lễ phép bớt nhiều lắm rồi. Con nít, thanh niên nhiều khi chỉ có một cái gật đầu gặp người lớn, hoặc “quăng nguyên cục lơ” rồi đi luôn. Cách ăn nói cộc lốc, trống trơn không hề ít trong giới trẻ hiện nay. Cô Tô Thị Huệ (61 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM), nói: “Trước đây, khi được người lớn hơn gọi thì phải trả lời “dạ”, còn khi được nhờ bảo thì thường trả lời “vâng” hoặc “thưa” tùy vùng miền.
Người dưới nói chuyện với người lớn hơn bao giờ cũng bắt đầu bằng “dạ thưa”. Còn bây giờ, nhiều khi người nhỏ hơn đã quên chào, trả lời thì “OK” hay ừ gọn lỏn. Biết thưa gửi, biết nói lời cảm ơn, lời xin lỗi là thể hiện sự tế nhị và quan tâm đến người khác cũng như một hình thức rèn luyện tính khiêm nhường cho bản thân. Rất tiếc, việc tưởng đơn giản, nhưng con nít lẫn không ít người trẻ bây giờ thiếu rèn luyện những điều này”.
Nhiều người lớn thường hay bỏ qua, không uốn nắn trẻ khi chúng có thái độ không ngoan, thậm chí hỗn với người lớn vì cho rằng, con nít không biết gì. Khi nghe phản ánh con mình nói trống trơn với người lớn, nhiều phụ huynh còn ngụy biện rằng, lớn lên trẻ khắc tự biết thưa gửi, nói câu đủ chủ ngữ, vị ngữ. Thậm chí, với một số người theo lối sống quá “hiện đại” cho rằng, việc thưa gửi rất mất thời gian. Tuy nhiên, chính những cư xử thiếu lễ phép không được uốn nắn kịp thời sẽ góp phần làm nên tính cách trẻ sau này.
Người Việt mình từ lâu cũng có thói quen vòng tay, kính chào dạ thưa rất đẹp. Lễ phép không tự nhiên có, phải giáo dục và thực hành thường xuyên. Sẽ mất nhiều thời gian, tâm huyết để thực hiện điều này nhưng chào hỏi lễ phép trong các tình huống giao tiếp đúng cách là một nghệ thuật, và là cánh cửa dẫn dắt chúng ta nhận được sự yêu mến từ nhiều người khác.