Quà to, quà nhỏ
Mấy năm sau tốt nghiệp đại học, với một vài người bạn của tôi, phải chi tiêu tiết kiệm lắm cũng chỉ vừa đủ sống ở đô thị lớn như TPHCM. Cuối năm hay dịp lễ lạt, giỗ chạp là dịp để trở về nhà sum họp, nhưng họ vẫn chọn ở lại thành phố để làm kiếm thêm chút tiền. Qua những ngày đó, một anh bạn đóng gói cả thùng carton cỡ lớn nào là quà bánh, kẹo, trà, quần áo mới… gửi về quê. Anh bạn khẽ cười: “Gần cuối năm rồi, lại là dịp giỗ chạp ông ngoại, gửi về cho đáng một chút, chứ không thì ngại với họ hàng lắm. Cả thùng này ngó bự, chứ cũng không bao nhiêu”. Hỏi ra mới biết, bạn tôi ngại về quê vì sợ ánh mắt so đo, dị nghị của bà con, xóm giềng vì cái mác dân thành phố về thăm nhà mà ít quà cáp. Nên nếu điều kiện kinh tế chưa tốt thì thà ở lại thành phố làm việc, gửi quà về. Xóm giềng có hỏi thì nói bận bịu công việc là xong.
Câu chuyện quà cáp hay “phú quý sinh lễ nghĩa” không phải là chuyện lạ, chuyện hiếm trong xã hội này. Những câu trò chuyện, hỏi thăm nhau dịp tết như: “Lần này về quê, nó đem về được nhiêu?”, “Nghe nói nó làm công ty lớn, chắc cho quà cuối năm xịn ha”, “Làm trên thành phố chắc quà toàn đồ mắc tiền”…, dù vô tình hay cố ý, ít nhiều mấy lời này cũng khiến người ta dễ tổn thương và mặc cảm khi đồng lương còn chưa ổn định, chuyện trở về nhà phút chốc thành một áp lực vô hình.
Những chuyện không vui đó, có lẽ cũng chỉ là một vài trường hợp. Trong chuyến xe về An Giang vừa rồi, đúng lúc dịch Covid-19 mới bùng phát, tôi gặp một bạn sinh viên, nâng niu hũ kẹo chocolate được chủ quán cà phê nơi bạn làm thêm tặng để mang về cho ba mẹ. Em kể, đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Sài Gòn, hành lý về quê cũng chỉ cái ba lô gọn gàng cùng hũ kẹo chocolate. Em nói đầy tự hào: “Hũ kẹo nhỏ vầy chứ ở nhà ba mẹ em mừng lắm chị ơi”.
Chữ hiếu không chỉ là trách nhiệm
Có điều kiện kinh tế, vài năm gần đây, nhiều bạn trẻ lên sẵn kế hoạch đi chơi dịp cuối năm, lễ lạt. Thậm chí, các bạn có cả một lịch trình du lịch nước ngoài thật chi tiết và đặt sẵn vé máy bay, khách sạn từ trước đó 1-2 tháng. Chữ hiếu trong thời buổi hiện đại và câu chuyện sum vầy ngày cuối năm cũng dần khác đi, khi một số người trẻ thích đi chơi hơn trở về nhà; hay nghĩ rằng gửi ba mẹ chút tiền, chút quà bánh coi như tròn trách nhiệm.
Tết năm vừa rồi, cô giáo dạy toán thời cấp 2 của tôi đã bật khóc khi tôi tới thăm. Trong nhà ra tận cửa, hoa kiểng, bông trái đủ màu xanh đỏ, còn bánh mứt thì ê hề, nhưng duy nhất chỉ có cô ở nhà vì hai đứa con đã đi du lịch Thái Lan. Cô kể bằng giọng buồn thiu: “Tết này buồn lắm con ơi, trong nhà chỉ có cô, còn mấy đứa nhỏ lo đi chơi hết rồi. Tết nhứt mà đi tới đi lui, lủi thủi có một mình, không có đứa nào phụ cúng kiếng ông bà hết”.
Vài ngày tết, ngày lễ lạt, giỗ quảy, lướt mạng xã hội lại thấy tràn ngập hình ảnh gia đình. Xong mấy ngày đó thì cũng coi như xong nhiệm vụ, ai nấy trở về công việc thường nhật và một số người cả mấy tháng trời không thấy về thăm nhà.
Vì nhà ở ngoại thành nên chị họ tôi đi làm và thuê trọ gần đó cho tiện đi lại, mỗi dịp cuối năm về nhà lại khệ nệ giỏ quà to tướng, nhưng 3 tháng sau đó chỉ vài cuộc gọi về nhà, đến nỗi cậu tôi thở dài: “Ba tháng trời chưa thấy nó về nhà, cả tuần thì gọi được một cuộc. Ỷ y có ba cái điện thoại gọi là dòm thấy mặt, nó gọi một cuộc là xong, còn về nhà cũng ở được mấy tiếng là đi lên nhà trọ liền”… Trong thời buổi của công nghệ và mạng xã hội, dường như chữ hiếu cũng gồng mình như một trào lưu mỗi dịp tết, lễ Vu lan, ngày của cha/mẹ…
Quà cáp, tiền bạc cũng chỉ là một cách thể hiện lễ nghĩa nhưng chữ hiếu thì cần nhiều hơn thế. Một giỏ quà hay chút tiền không thể tròn chữ hiếu được, đó chỉ là cách để chăm sóc thêm cho gia đình. Điều mà ông bà hay cha mẹ cần hơn hết chính là sự đoàn viên, sum vầy của con cháu và có lẽ, khi nào con cháu trong nhà còn biết trở về nhà thì khi đó, người ta mới thực sự trưởng thành.