Đến tham dự có bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM và bà Tô Thị Bích Châu, Bí thư Quận ủy quận 1.
Mở đầu buổi lễ, thầy Cao Đức Khoa, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh cho biết, một thế kỷ đã trôi qua, đất nước và dân tộc nói chung, thành phố nói riêng đã trải qua bao lần đổi thay, thăng trầm, gian nan và thử thách.
Tại Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, 100 lần tiếng trống khai giảng đã ngân vang tiếp bước truyền thống bồi dưỡng, giáo dục biết bao thế hệ nhân tài của đất nước.
Tiết mục văn nghệ của học sinh nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường |
Thầy Cao Đức Khoa bày tỏ, ngoài sứ mệnh về giáo dục và đào tạo, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh còn là một địa chỉ đỏ, cái nôi cách mạng của thành phố trong suốt những năm tháng chiến tranh khói lửa.
Tập thể thầy và trò Trường THCS Huỳnh Khương Ninh tự hào nhắc đến những nhà giáo nổi tiếng một thời như Lê Bá Cang, Huỳnh Khắc Dụng, Phạm Văn Đồng... và các chiến sĩ cách mạng như Huỳnh Khương An, Trương Mỹ Hoa, Lê Hồng Tư, Nguyễn Thị Châu...
Xuyên suốt chặng đường 100 năm hình thành và phát triển, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh không ngừng giữ vững và phát huy bản sắc truyền thống, đồng thời xây dựng theo mô hình trường chuẩn quốc gia và tiên tiến hội nhập quốc tế.
Thay mặt tập thể sư phạm, thầy Đỗ Văn Hào, Giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh đã ôn lại truyền thống lịch sử đáng tự hào của ngôi trường 100 năm tuổi cũng như cuộc đời của nhà giáo yêu nước Huỳnh Khương Ninh.
Thầy Đỗ Văn Hào ôn lại quá trình hình thành và phát triển của ngôi trường 100 năm tuổi cũng như cuộc đời của nhà giáo yêu nước Huỳnh Khương Ninh |
Với quyết tâm dấn thân vào ngành giáo dục, mong muốn đóng góp vào việc nâng cao dân trí nước nhà, năm 1922, nhà giáo Huỳnh Khương Ninh đã xây dựng Trường Tư thục Huỳnh Khương Ninh, đồng thời được nhân dân tín nhiệm bầu vào chức vụ Phó Hội đồng Thành phố.
Cuối năm 1945, khi kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta nổ ra ở Sài Gòn, Trường Tư thục Huỳnh Khương Ninh bị thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa do có nhiều thanh niên yêu nước học tại trường này. Đến năm 1947, trường mới được phép mở cửa trở lại.
Trước khi nhắm mắt, nhà giáo Huỳnh Khương Ninh nhắn gửi tập thể giáo viên “cùng chung lo giữ vững ngôi trường cho con em chúng ta, dù hoàn cảnh nào cũng có thể học tập”.
Nhà giáo Huỳnh Khương Ninh được chọn là một trong những nhân vật lịch sử có cuộc đời và sự nghiệp gắn bó với sự phát triển của thành phố, trở thành tấm gương tiêu biểu hết lòng vì đất nước và sự nghiệp giáo dục.
Chia sẻ sự xúc động tại buổi lễ, bà Trương Mỹ Hoa cho biết, bà là cựu học sinh giai đoạn 1963-1964, vừa là học sinh vừa bí mật tham gia hoạt động cách mạng tại ngôi trường này.
Khi đang là học sinh của trường, bà bị chính quyền thực dân Pháp bắt. Kết thúc 11 năm lao tù, bà nhận công tác ở đơn vị khác.
Bà Trương Mỹ Hoa chia sẻ sự xúc động tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập trường |
“Đây là lần thứ 2 tôi trở về thăm trường, cảm thấy vô cùng tự hào về những thành tích tập thể học sinh và giáo viên đã đạt được, qua đó tiếp nối truyền thống đoàn kết, anh hùng, bất khuất của các thế hệ đi trước, đồng thời phấn đấu đạt chất lượng hội nhập quốc tế, xứng đáng mang tên nhà giáo yêu nước Huỳnh Khương Ninh”, bà Trương Mỹ Hoa cho biết.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu (ngoài cùng, bên phải) trao bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 |
Dịp này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM trao bằng công nhận Trường THCS Huỳnh Khương Ninh đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.