Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Hà Nội tự hào là địa phương có số lượng di sản lớn của cả nước, phong phú cả bề rộng, chiều sâu với sự hòa nhập của văn hóa Thăng Long với các vùng văn hóa xứ Đoài, xứ Đông, Kinh Bắc, Sơn Nam Thượng.
Cùng với nghề cốm Mễ Trì, nghề làm xôi Phú Thượng, nghề ướp trà sen Quảng An, năm 2024, Phở Hà Nội đã vinh dự được Bộ VH-TT-DL quyết định ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, là niềm vinh dự, tự hào của cộng đồng chủ thể và những người yêu thích ẩm thực. Sự ghi danh di sản cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để góp phần triển khai các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Phở Hà Nội.
Năm nay, lễ hội có sự tham gia của nhiều Đại sứ quán các nước như: Algeria, Argentina, Azerbaijan, Brazil, Ấn Độ, Iran, Nhật Bản...; 8 tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hưng Yên, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Quảng Bình với quy mô hơn 80 gian hàng.
Đến với lễ hội, du khách được trải nghiệm không gian văn hóa ẩm thực tiêu biểu của làng nghề truyền thống và các hoạt động trình diễn của các nghệ nhân, tái hiện không gian đậm chất làng nghề gắn với di sản ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội, như: Phở Hà Nội, bánh tôm Hồ Tây, bún Phú Đô, giò chả Ước Lễ, cốm Làng Vòng, cốm Mễ Trì, xôi, chè Phú Thượng, bánh chưng Tranh Khúc, nem Phùng, bánh dày quán Gánh, bánh tẻ Phú Nhi, cháo gõ Quảng Phú Cầu, cháo se Hạ Mỗ, miến làng So…
Điểm nhấn của lễ hội là hoạt động bảo vệ, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể Phở Hà Nội. Ban tổ chức triển khai hoạt động công bố quyết định Phở Hà Nội đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; xây dựng chuyên mục Ẩm thực Hà Nội trên Báo Kinh tế và Đô thị; tọa đàm “Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Phở Hà Nội”.
Bên cạnh đó, chương trình “Phở số Hà Thành” trong lễ hội sẽ giới thiệu tới người dân những ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong ngành ẩm thực Việt Nam. Khách mời có cơ hội trải nghiệm các món phở truyền thống đặc trưng của Hà Nội và “Phở số” với robot thông minh thực hiện các công việc sản xuất và phục vụ.
Bên cạnh các hoạt động chính, lễ hội còn có các hoạt động giới thiệu, quảng bá, tọa đàm, trình diễn ẩm thực và di sản truyền thống, như: triển lãm ảnh, triển lãm sách lưu động giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật, giới thiệu sách quảng bá về văn hóa nghệ thuật, du lịch, ẩm thực tiêu biểu trong nước và quốc tế… các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống và hiện đại; tọa đàm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển văn hóa ẩm thực...
Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 sẽ diễn ra đến hết ngày 1-12.