Từ sáng sớm, tại Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ phường Tăng Nhơn Phú B, cạnh Di tích Quốc gia Đình Phong Phú, đoàn cán bộ, viên chức phường Tăng Nhơn Phú B gồm các đồng chí: Trương Tấn Kiệt, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường; Huỳnh Thị Kim Lan, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường; Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Quyền Chủ tịch UBND phường; cùng cán bộ, viên chức, các ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang địa phương, đã thực hiện nghi thức dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Tại Di tích Quốc gia Đình Phong Phú, trong 2 ngày 14 và 15-12 (tức ngày 14-11 và 15-11 Âm lịch), Ban Quý tế đình long trọng tổ chức, thực hiện các nghi thức lễ: dâng hương, dâng hoa, Lễ thỉnh sanh - Chánh lễ túc yết, Xây chầu - hát đại bội, Lễ Đàn cả, diễn tuồng hát bội Quan Công hiển linh, Quan Công xử án Thủy Ngư, Ngọc Huỳnh Long xuất thế, Tôn Vương yên bình…
Lễ Kỳ yên Đình Phong Phú được tổ chức hàng năm, vào dịp cuối năm, luôn thu hút sự quan tâm, tìm đến lễ bái của rất nhiều đình, chùa, miếu cùng đông đảo nhân dân TPHCM và các tỉnh thành lân cận.
Đình Phong Phú được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX. Đình đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhưng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, uy nghiêm.
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, các cụ trong hội đình đã có nhiều đóng góp trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đình không chỉ là nơi thờ cúng thần của làng, mà còn là căn cứ cách mạng quan trọng, là nơi ẩn náu, cung cấp lương thực, thực phẩm và vũ khí cho bộ đội. Cũng chính ngôi đình này, bộ đội địa phương xuất phát tấn công nhiều đồn giặc Pháp.
Năm 1993, đình Phong Phú được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa – cách mạng và được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
>>>Một số hình ảnh tại Lễ hội truyền thống (Lễ Kỳ yên) Đình Phong Phú năm 2024: