Lễ đón nhận danh hiệu chính thức vừa diễn ra vào tối 5-7 tại Trung tâm Văn hóa quận 5. Đây được xem là vinh dự đồng thời là cơ hội cho quận 5 nói riêng và TPHCM nói chung.
Một mùa Nguyên tiêu đặc biệt
Lễ hội Tết Nguyên tiêu thường được diễn ra thành một đợt hoạt động kéo dài từ 3-4 ngày (khoảng 12 hoặc 13 đến rằm tháng Giêng hàng năm). Tuy nhiên, năm nay do dịch Covid-19 nên hoạt động này đã không thể diễn ra như định kỳ mà phải dời sang đầu tháng 7.
Mặc dù vậy, sự tưng bừng, náo nhiệt dường như không giảm đi mà có phần sôi nổi hơn. Một phần vì năm nay vừa tròn 30 năm Lễ hội Tết Nguyên tiêu ở quận 5 ra đời, đặc biệt hơn, mới đây, lễ hội này vừa được Bộ VH-TT-DL quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Một trong những nét đặc trưng của Lễ hội Tết Nguyên tiêu hàng năm chính là diễu hành và biểu diễn nghệ thuật đường phố. Ngay từ chiều 5-7, đông đảo người dân khu vực quận 5 đã có mặt để chứng kiến hoạt động ý nghĩa này, với sự tham gia của gần 670 diễn viên.
Ngoài ra, những hoạt động thường niên cũng được tái hiện như: hóa trang Bát tiên, biểu diễn Mai hoa thung, tặng chữ thư pháp, trò chơi dân gian Đố đèn và vớt cá vàng… Đến lễ hội khá sớm, bà Băng, 65 tuổi, một người gốc Hoa ngụ ở quận 5, không giấu được niềm vui: “Là một người Hoa, tôi thấy vui và hãnh diện khi Tết Nguyên tiêu được quốc gia công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Theo Ths Trần Chí Minh, một người Hoa, việc bảo tồn và phát huy một nét văn hóa truyền thống bất kỳ trong thời đại xã hội phát triển vũ bão như hiện nay không phải là chuyện dễ dàng, thế hệ trẻ gần như không còn mặn mà với những gì gọi là phong tục tập quán, văn hóa truyền thống nên việc duy trì, gìn giữ những ngày lễ truyền thống như Lễ hội Tết Nguyên tiêu thật sự rất khó khăn.
“Trong bối cảnh chung đó, hoạt động diễu hành nghệ thuật được tổ chức tại quận 5 lại có tác dụng tích cực, chính nhờ hoạt động này mà cả cộng đồng người Hoa cũng như người Việt và bà con các dân tộc khác, kể cả người già, trẻ em, thanh thiếu niên gần như cùng lúc bị cuốn hút vào nó, và cụm từ “Lễ hội Tết Nguyên tiêu” đã được lan rộng và phát huy”, Ths Trần Chí Minh cho biết.
Mở ra những cơ hội
Tính thêm Tết Nguyên tiêu thì quận 5 hiện đang có 20 di sản văn hóa, bên cạnh 11 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp thành phố. So với khu vực và địa phương khác, đây rõ ràng là “mỏ vàng” di sản. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hóa này là vấn đề quan trọng đặt ra cho quận 5.
Bởi nói như Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm tại chương trình đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tối 5-7, ngoài việc thể hiện tình đoàn kết gắn bó, giao lưu văn hóa truyền thống giữa các dân tộc, Tết Nguyên tiêu còn có ý nghĩa đặc biệt về kinh tế, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tham gia, mang lại lợi ích về văn hóa, kinh tế cho cộng đồng.
Theo TS Đinh Văn Hạnh, Phân Viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TPHCM, có thể nói giá trị kinh tế là một điểm đặc biệt của Tết Nguyên tiêu. Ngay từ ban đầu, tập quán này phát triển mạnh ở thành thị, là tâm điểm thu hút khách du lịch, đặc biệt nó gắn liền với hệ thống di tích dày đặc của quận 5 và hệ thống ẩm thực vô cùng phong phú nên có đủ điều kiện để trở thành một sản phẩm du lịch. Các hoạt động xã hội ý nghĩa như hội đấu đèn, triển lãm và giới thiệu các sản phẩm văn hóa như tranh, thư pháp, giới thiệu đoàn lân sư rồng… là dịp quảng bá sản phẩm văn hóa, vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa củng cố các tổ chức cộng đồng của người Hoa.
“Cùng với trình diễn nghệ thuật đường phố, nếu phục hồi những nghi thức đặc trưng, những hoạt động nghệ thuật có giá trị đã mai một, như rước kiệu Bà, tổ chức phố đèn hoa ở một không gian thích hợp, kết hợp tổ chức festival ẩm thực người Hoa, thi nghệ thuật thư pháp, thư họa, hội thi lân sư rồng quốc tế trong dịp Nguyên tiêu… sẽ là một sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo và hấp dẫn của TPHCM”, TS Đinh Văn Hạnh cho biết.
Bà Trần Thị Minh Tân, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận 5, cho rằng, chắc chắn sẽ phải có những kế hoạch về bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Lễ hội Tết Nguyên tiêu. “Trước mắt, chúng tôi sẽ tham mưu về việc có một không gian riêng để bảo tồn và phát huy các loại hình như diễn tuồng cổ, đồng thời phục vụ kết nối du khách đến các di tích lịch sử trên địa bàn”, bà Minh Tân nói.