Tham dự lễ hội có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM; Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM; Trần Thị Diệu Thúy, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM;... cùng đại diện các sở, ban ngành thành phố, UBND các quận huyện và TP Thủ Đức.
Tham dự buổi lễ còn có nhà nghiên cứu sử học 106 tuổi Nguyễn Đình Tư, cố vấn Ban Quý tế Lăng Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt, các cụ cao niên, hậu duệ Đức Thượng công…
Trong không khí phấn khởi của những ngày đầu xuân mới, năm 2025 với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, để ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân, Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt long trọng tổ chức Lễ hội Khai Hạ - Cầu an.
Theo tục lệ xa xưa, ngày mùng 7 Tết là ngày lễ Hạ nêu, Đức Tả quân đã chọn ngày này làm ngày Khai hạ, làm ngày dợt binh đầu năm và cũng là ngày Khai sơn, Khai bút, Khai ấn, để cầu cho mưa thuận gió hòa, Quốc thái dân an.
Lễ hội Khai hạ - Cầu an được tổ chức hàng năm tại Lăng Đức Tả quân nhằm góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp phong tục tập quán truyền thống dân tộc, được chú trọng thực hiện với nhiều nội dung phong phú, gắn liền với những dấu ấn của nền Văn minh Việt cổ, đồng thời cũng là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào trong dịp tết cổ truyền.
Đặc biệt, lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị tiền nhân, tưởng nhớ những người đã có công khai hoang lập đất, cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng tươi tốt, cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội Khai hạ đã đi sâu vào tâm thức của cộng đồng, được người dân địa phương bảo tồn, gìn giữ, lưu truyền nhiều giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử, thu hút đông đảo nhân dân thành phố và du khách gần xa về tham dự. Đây cũng là nét văn hóa đặc sắc, là niềm tự hào của nhân dân quận Bình Thạnh nói riêng và của TPHCM nói chung.
Lễ hội Khai hạ - Cầu an đầu năm mới năm 2025 tại Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt được thực hiện theo nghi thức Tiểu cung đình Triều Nguyễn với nhiều nghi lễ gồm: Lễ Tế Đức Thượng công, Lễ Hạ nêu, Lễ Dâng hương cầu an, Lễ Khai bút - Khai ấn, Lễ Phát động Tết trồng cây, Lễ Xây chầu - Đại bội.
Các nghi lễ trên được thực hiện nghiêm cẩn, trang trọng, nhằm cầu an cho nhân dân, cầu thạnh cho quốc gia, cầu cho TPHCM năm mới Ất Tỵ 2025 an khang, thịnh vượng, phát triển bền vững, phồn thịnh, vinh quang.
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã thực hiện mời trầu cau, mời rượu, trao tặng lộc đầu năm cho các đại biểu tham dự. Các đại biểu đã cùng thành kính dâng hương tại Chánh điện, sau đó dâng hương tại Lăng mộ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt và tham gia Lễ Phát động Tết trồng cây.
Trong ngày, tại sân khấu bên trong Lăng Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt, Đoàn Hát bội Ngọc Khanh đã sáng đèn trình diễn Lễ Xây chầu – Đại bội, cầu quốc thái dân an, trình diễn vở tuồng hát bội Lưu Bị cầu hôn Giang Tả, Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt.
Đến 19 giờ cùng ngày (mùng 7 tháng Giêng) BTC Lễ hội Khai hạ - Cầu an thực hiện nghi thức Lễ hồi chầu.
>> Một số hình ảnh tại Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: THÚY BÌNH