Lễ hội sẽ chính thức khai mạc vào 17 giờ ngày 7-2 (nhằm ngày 28 tháng Chạp âm lịch) và kéo dài xuyên suốt đến hết ngày 14-2 (tức Mùng 5 Tết) tại tuyến đường Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến bùng binh Quách Thị Trang, quận 1, TPHCM).
Nhiều hoạt động xuyên suốt
Suốt chặng đường hơn một thập niên vừa qua (2011-2023), Lễ hội Đường sách Tết đã trở thành một sự kiện văn hóa đọc quen thuộc, độc đáo mang biểu trưng văn hóa ngày tết của TPHCM. Năm nay, Lễ hội Đường sách Tết trở lại với thiết kế đại cảnh trống đồng Đông Sơn hơn 300m2 mang biểu tượng thiêng liêng của tinh hoa văn hóa truyền thống và lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, kết hợp cùng tiểu cảnh linh vật hình rồng ấn tượng đánh dấu sự trở lại của con giáp Thìn sau vòng chu kỳ 12 năm.
So với các năm trước, Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024 tăng hơn về quy mô với tổng diện tích lên đến 11.200m2, được chia thành 3 khu vực chính:
- Khu A (từ Nguyễn Huệ đến Pasteur): Là khu vực sân khấu chính diễn ra Lễ Khai mạc và nhiều nội dung trưng bày, triển lãm đặc sắc gồm: Triển lãm, giới thiệu các tác phẩm, bài thơ chúc Tết, bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là các tác phẩm được viết vào năm 1954, năm 1964; các tác phẩm đạt giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; trưng bày, triển lãm các tác phẩm, sách của các nhà cách mạng tiền bối, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước các thời kỳ.
Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu năm chẵn của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Chính vì vậy, tại khu A sẽ diễn ra nhiều hoạt động triển lãm và trưng bày về các sự kiện lịch sử ý nghĩa như: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024) và 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21-7-1954 - 21-7-2024), Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2024), Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú (1-5-1904 - 1-5-2024)…
Bên cạnh đó là hoạt động triển lãm những hình ảnh, tư liệu, ấn phẩm về những công trình tiêu biểu của TPHCM; giới thiệu những kết quả TPHCM đã đạt được trong giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Giới thiệu, trưng bày những tác phẩm đạt giải, tác phẩm ấn tượng trong hội thi “Công dân thành phố với hành trình văn hóa TPHCM” năm 2023. Đây cũng là nơi diễn ra hoạt động trưng bày sách hay, sách hiếm, sách có giá trị của các đơn vị xuất bản, phát hành như Đông A, Quán sách Mùa Thu.
Đối diện với khu vực trưng bày sách hiếm, sách hay là khu trưng bày Thư viện số Nguyễn An Ninh kết hợp giới thiệu văn hóa Nam bộ thông qua nghệ thuật trình diễn nói thơ, giới thiệu tác phẩm Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, người Việt Nam thứ 6 và người Nam bộ đầu tiên được UNESCO ghi nhận và tôn vinh danh nhân văn hóa thế giới.
- Khu B (từ Pasteur đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa): Đây là không gian dành cho công nghệ trong ngành sách như sách nói, sách điện tử và các gian hàng đơn vị xuất bản, phát hành với nhiều tựa sách hay, đa dạng thể loại. Đồng thời, là nơi tổ chức hoạt động lì xì sách nhân dịp Tết Nguyên đán dành cho người dân và du khách khi đến tham gia các hoạt động tại Lễ hội Đường sách Tết.
- Khu C (từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến bùng binh Quách Thị Trang): Khu vực dành cho thiếu nhi với gian hàng sách, khu vui chơi nhằm khuyến khích đọc, khuyến khích khả năng tư duy, sáng tạo của các em và là khu vực dừng chân nghỉ ngơi cho bạn đọc và người dân đến tham quan.
Lần đầu tiên tổ chức "Lì xì sách"
Với mục đích tạo không gian giải trí, hoạt động văn hóa vui Xuân đồng thời góp phần phát triển văn hóa đọc cho người dân trên địa bàn thành phố, Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024 có sự tham gia của hơn 20 đơn vị đồng hành như Phương Nam, Fahasa, Đông A, Saigon Books, Nhã Nam… Các NXB, công ty sách chăm chút, đầu tư khi mang đến hơn 3.000 tựa sách, tương đương khoảng 59.000 quyển.
Theo ông Trịnh Hữu Anh, Trưởng phòng Xuất bản, In và Phát hành (Sở TT-TT TPHCM), điểm nhấn của Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024 là không gian mô phỏng trống đồng Đông Sơn, có tích hợp mã QR Code để bạn đọc có thể tìm hiểu sâu hơn về các tác phẩm trưng bày, thông tin về các sự kiện lịch sử…
Ngoài ra, một điểm nhấn nữa là chương trình "Lì xì sách", được diễn ra vào ngày 10-2 (tức Mùng 1 Tết). Đây là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức tại Lễ hội Đường sách Tết. “Từ gợi ý của các chuyên gia, các đơn vị, chúng tôi quyết định tổ chức chương trình "Lì xì sách" với thông điệp “Mở trang sách mới, mừng năm mới”. Hoạt động "Lì xì sách" không chỉ là một nghi thức truyền thống mà còn là thông điệp về sự trân trọng tri thức, niềm hân hoan và những kỳ vọng cho một năm mới đầy phấn khởi”, ông Trịnh Hữu Anh cho biết.
Theo đó, trong khung giờ dự kiến từ 17 đến 19 giờ ngày 10-2, khi tham dự Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn, bạn đọc có cơ hội nhận được lì xì sách do đích thân các đại sứ văn hóa đọc TPHCM gửi tặng. Dự kiến, có khoảng 2.000-3.000 cuốn sách trong chương trình. Ngoài chương trình "Lì xì sách" từ ban tổ chức, tại mỗi gian hàng cũng sẽ có chương trình "Lì xì sách" cho bạn đọc và du khách.