Theo ông Nguyễn Văn Đức, điểm nhấn trong hoạt động của lễ hội năm nay là các hoạt động mang tính cộng đồng cao, như: “Cộng đồng vui hội làng Dừa” trên khắp các khu dân cư trong toàn tỉnh, người dân tham gia vào các trò chơi dân gian, truyền thống…
Trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động chính, gồm: Lễ khai mạc, bế mạc; Triển lãm sản phẩm dừa và Hội chợ Thương mại; Lễ ra mắt Không gian khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo, đồng thời diên ra các hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị cây dừa thích ứng biến đổi khí hậu”, “Giải pháp phát triển du lịch Bến Tre trên cơ sở liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long”…
Tại đây, còn diễn ra tuần lễ văn hóa - nghệ thuật - du lịch, tôn vinh cây dừa, sản phẩm từ dừa và người sản xuất, chế biến dừa, quy tụ khoảng 400 gian hàng trưng bày các sản phẩm dừa và một số loại cây đặc sản của tỉnh. Thông qua đó, du khách có thể cảm nhận được nét đặc sắc trong nghệ thuật ẩm thực từ các món ăn được làm từ dừa nổi tiếng của tỉnh.
Ngoài ra, để quảng bá hình ảnh cây dừa, Ban tổ chức còn thiết kế Phố đi bộ tại Đại lộ Đồng Khởi và Không gian dừa (tại Công viên Cái Cối, bờ Nam sông Bến Tre) để du khách tham quan, trải nghiệm, cảm nhận được giá trị truyền thống và hiện đại của dừa, bằng những các cụm tiểu cảnh hài hòa, ấn tượng, mang đậm chất dân gian xứ dừa, kết hợp thiết kế có tính nghệ thuật cao.
Bến Tre có diện tích dừa chiếm 50% diện tích dừa cả nước, với diện tích gần 72.000 ha, 163.000 hộ dân trồng dừa, sản lượng hàng năm đạt gần 800 triệu trái, kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD, giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% giá trị xuất khẩu của tỉnh.