Đến dự lễ giỗ có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM; Trung tướng Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TPHCM; Trần Thị Diệu Thúy, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Nhà sử học lão thành Nguyễn Đình Tư… cùng đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các quận huyện, TP Thủ Đức và đại diện dòng tộc Khâm sai Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt.
Tại lễ giỗ Đức Tả quân, Ban Quản lý Di tích Lăng đã trang trọng thực hiện lễ cúng Tiên thường theo nghi thức tế lễ tiểu cung đình triều Nguyễn. Sau nghi thức tế lễ, các đại biểu và khách mời đã cùng thành kính dâng hương Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.
Đức Tả quân Lê Văn Duyệt sinh năm 1764, nguyên quán Quảng Ngãi, sinh quán làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Ông hai lần được cử làm Tổng trấn Gia Định thành (từ năm 1812 - 1815 và từ năm 1820 - 1832).
Sinh thời, khi làm Tổng trấn Gia Định thành, ông thể hiện rõ là một vị quan công minh, thanh liêm, chính trực, luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, giữ an và mở mang vùng đất Nam bộ. Khi tạ thế (1832), Tả quân được nhân dân xây lăng mộ ở khu vực Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) và cung kính thờ phụng. Năm 1989, công trình kiến trúc nghệ thuật Lăng Lê Văn Duyệt vinh dự đón nhận bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Lễ giỗ Khâm sai Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 2-9 đến 4-9 (nhằm ngày 30-7 và mùng 1, mùng 2-8, năm Giáp Thìn), là hoạt động văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, nhằm tưởng nhớ các vị tiền nhân, anh hùng liệt sĩ và nhân dân đã có công mở mang bờ cõi, xây dựng và gìn giữ đất nước. Qua đó, giáo dục cho các thế hệ mai sau biết hướng về cội nguồn dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương Tổ quốc, chung sức phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc trong thời đại mới.
Trong ngày đầu tiên của lễ giỗ Đức Tả quân còn có các hoạt động: thực hiện nghi thức lễ Xây chầu - Đại bội, cầu Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no hạnh phúc; mời trầu cau, rượu lễ, tặng lộc của Đức Tả quân; trình diễn tuồng hát bội Lê Công kỳ án...
Trong hai ngày giỗ 3-9 và 4-9, ngày Chánh giỗ và ngày Hậu thường, Ban Quản lý Di tích Lăng sẽ thực hiện các nghi thức: cảm tạ, mời trầu, rượu, tặng lộc; nghi thức tế lễ tiểu cung đình triều Nguyễn, tế Tiền hiền, Hậu hiền, Anh hùng liệt sĩ; hát bội tuồng Ngũ sắc châu, San Hậu 1, 2, 3, lễ Tôn Vương - Hồi chầu, chương trình ca cổ của Đoàn Hoa lan trắng, cúng trầu cau và bánh Gia Định xưa...
>>> Một số hình ảnh tại lễ giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt sáng ngày 2-9. Ảnh: THÚY BÌNH