Không lo vì có nhiều sách giáo khoa
Theo Giáo sư Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, quy trình là Nhà nước chỉ đưa ra khung chương trình, đây là chuẩn chung cho cả nước, cho tất cả các cấp học.
Trên cơ sở chương trình chuẩn đó mới biên soạn sách giáo khoa. Tiếp nữa là Hội đồng thẩm định quốc gia trên cơ sở khung chương trình đó, cũng như chương trình môn học sẽ thẩm định các bộ sách giáo khoa, phê duyệt sách nào đạt để được ban hành sử dụng. Khi có sách giáo khoa, các sở, trường sẽ lựa chọn.
“Vì thế, chúng ta yên tâm là có khung chung, từ đó mới soạn sách giáo khoa. Sách sẽ được soạn trên cơ sở chương trình chuẩn”, Giáo sư Phan Thanh Bình nói.
Cũng theo ông, nét khác biệt nhất của chương trình giáo dục phổ thông mới là phát triển năng lực người học, vì thế chương trình có rất nhiều thay đổi, đòi hỏi phải làm thận trọng.
“Do đến bây giờ Bộ GD-ĐT cũng chưa công bố chương trình môn học nên ủy ban chúng tôi đang giám sát chặt chẽ”, Giáo sư Phan Thanh Bình cho hay.
Tiến tới phổ cập bắt buộc tiểu học
Cũng tại các buổi thảo luận vừa qua vẫn còn nhiều ý kiến của các ĐBQH băn khoăn về vấn đề phổ cập. Theo Giáo sư Phan Thanh Bình, chúng ta đang thực hiện phổ cập đến hết THCS, tức hết lớp 9, nhưng hiện nay đặt ra yêu cầu phổ cập bắt buộc hết tiểu học (đã được hiến định trong Hiến pháp 2013). Phổ cập bắt buộc tức là bắt buộc người trong độ tuổi đi học phải học hết lớp đó, nếu không học là vi phạm luật pháp.
Việc đặt ra yêu cầu phổ cập hết THCS, nhưng đối với tiểu học thì phải phổ cập bắt buộc, tức là tiến lên một bước. Như vậy, Nhà nước, địa phương không lo được cho trẻ em học hết tiểu học là có lỗi, gia đình không cho các em đi học là có lỗi. “Đã là phổ cập bắt buộc thì phải miễn học phí và ai không cho học sinh đi học là có lỗi”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, qua ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp này, tới đây bộ sẽ rà soát để cụ thể hơn các vấn đề mà xã hội đang bức xúc và những vấn đề gây nút thắt trong phát triển giáo dục.
Từ đó lựa chọn, xác định rõ những vấn đề nào cụ thể được thì sẽ cụ thể ngay trong luật, khi triển khai không cần phải đợi các văn bản hướng dẫn. Một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau cần phải nghiên cứu thật thấu đáo trong đánh giá tác động là chính sách mới về nâng chuẩn giáo viên mầm non, chính sách đối với giáo dục miền núi, vấn đề xã hội hóa. Cùng với đó là vấn đề triết lý giáo dục.
“Chúng tôi đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu ở đề tài cấp quốc gia và nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận để tạo ra một sự thống nhất cao về triết lý giáo dục trong mục tiêu và nguyên lý giáo dục để có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động của giáo dục tới đây. Tất cả những vấn đề này, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu kỹ để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vào đầu năm 2019”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, với mong muốn nghe và tiếp thu được nhiều ý kiến của các vị ĐBQH về dự luật quan trọng này, tới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trao đổi với Thường trực Chính phủ để tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của các vị ĐBQH, các chuyên gia, các nhà quản lý, những người có kinh nghiệm trong quản lý giáo dục.
Sau kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ sẽ chủ động việc lấy ý kiến nhân dân, dự kiến khoảng tháng 1-2019, sau đó có báo cáo tổng hợp để gửi và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Liên quan đến vấn đề này, ngày 20-11, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng khẳng định ủy ban là cơ quan thẩm tra dự án luật sẽ trao đổi với Bộ GD-ĐT để có hình thức lấy ý kiến nhân dân phù hợp