Câu chuyện một giám khảo đặt câu hỏi khó, trong đó nhiều người đánh giá là không phù hợp trong một cuộc thi hoa hậu, ầm ĩ suốt những ngày qua. Nếu theo dõi trong các hội nhóm về sắc đẹp, ngay khi câu hỏi này được đặt ra, nhiều người đã dự đoán, “bão tố” sẽ ập đến với người đặt câu hỏi. Và thực tế không nằm ngoài dự đoán, nhiều người hâm mộ tràn vào trang cá nhân giám khảo này buông lời miệt thị, xúc phạm.
Trước đó không lâu, vụ việc của một cô biên tập viên truyền hình với dòng trạng thái khi cơn bão Noru ập đến, cũng trở thành trung tâm của búa rìu dư luận. Dĩ nhiên, trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, một dòng trạng thái dù chỉ vô tình, dư sức châm ngòi để cư dân mạng thỏa sức miệt thị bằng đủ kiểu ngôn từ.
Ngay trong cuộc thi hoa hậu nói trên, có đến gần một nửa phần thuyết trình của những người đẹp đề cập đến bạo lực ngôn từ và không ít người là nạn nhân. Có người còn ví nó là thứ vũ khí có khả năng “sát thương” rất cao, hơn cả tác động về mặt vật lý. Nhiều người đẹp cũng nghẹn ngào nhắc lại trong quá khứ, mình đã khốn khổ vì bạo lực mạng như thế nào. Thông điệp ấy mong góp phần cảm hóa và lan tỏa năng lượng tích cực.
Bạo lực ngôn từ từ những người không quen biết, không hiểu căn nguyên sự việc, nhưng lại dồn dập, tới tấp bởi trào lưu “tát nước theo mưa” hay đánh hội đồng. Có một điều phi lý nhưng là thực tế hiển nhiên: trên mạng xã hội, người ta thích chửi, “ném đá” hơn là khen. Ai đó, hay sự việc gì được khen luôn có hàng loạt thuyết âm mưu được đặt ra. Nhưng, nếu có ai đó, hay sự việc gì không “vừa mắt”, “gạch đá” mà người trong cuộc nhận được có lẽ đủ để xây cả… vạn lý trường thành.
Điều đáng buồn hơn, rất nhiều người nhân danh “quyền lực ảo” để lên tiếng bảo vệ nạn nhân của bạo lực mạng; nhưng trong không ít trường hợp, họ lại ngấm ngầm khơi dậy nỗi đau cũ hoặc tạo thêm nỗi đau mới dưới cái vỏ bọc tưởng chừng là xoa dịu, vuốt ve.
Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã có. Nhưng, sử dụng chúng tùy thuộc vào nhận thức của mỗi cá nhân. Mà nhận thức ra sao sẽ quyết định hành vi, cách ứng xử. Thử hỏi, đã có bao giờ bạn tự đặt mình vào vai trò của nạn nhân để thấu cảm? Hay khi đã là nạn nhân rồi, bạn luôn muốn người khác phải nếm trải cảm giác như mình đã từng.
Đúng là Vàng sa xuống giếng, khôn tìm/ Người sa lời nói, như chim sổ lồng. Điều này càng không sai qua hàng loạt sự việc trên mạng xã hội thời gian gần đây.