Theo Bộ Tài chính, VFS đang quản lý và sử dụng 4 diện tích đất, trong đó, đáng chú ý là khu đất số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) có diện tích sử dụng gần 5.000m² và khu đất số 6 Thái Văn Lung (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) rộng hơn 1.208m² là đất thuê.
Xung quanh vị trí “đất vàng” của VFS nhưng không được xác định giá trị doanh nghiệp, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, đất đai của VFS quy hoạch thế nào sử dụng như vậy. Nếu quy hoạch là xưởng phim thì mãi là xưởng phim. Song, nếu chuyển sang xây chung cư, siêu thị... thì TP Hà Nội cho phép mới được làm. Khi đó, công ty cổ phần hóa đủ tiền trả cho Nhà nước theo phương án mới thì làm; nếu không có tiền trả, đấu giá cho đơn vị khác khai thác đất. Quy hoạch, phương án sử dụng đất chính là mấu chốt để xác định giá trị đất để đưa vào cổ phần hóa.
Liên quan đến vấn đề đất đai, theo dự thảo nghị định mới về cổ phần hóa, phương án sử dụng đất của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương trước khi tổ chức thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp... Điều này sẽ đảm bảo ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tiếp tục nắm giữ, “ôm” lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương.