“Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, bên cạnh các hoạt động định kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.
Sáng 27-9, hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã diễn ra tại Nhà Quốc hội theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến 49 điểm cầu tại các địa phương.
Đây là lần thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị này, sau Hội nghị đầu tiên về triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 được tổ chức vào đầu tháng 11-2021. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định, tinh thần xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay là tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt.
Cùng với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chú trọng chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đổi mới, tăng cường thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội với chủ trương chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, huy động tối đa sự tham gia của đại biểu Quốc hội, các cơ quan là chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát, cũng như các cơ quan phối hợp, các chuyên gia trong hoạt động giám sát.
“Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, bên cạnh các hoạt động định kỳ như xem xét các báo cáo, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân… Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu khai mạc hội nghị Với đặc điểm năm giữa nhiệm kỳ, để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát và trách nhiệm của các chủ thể giám sát, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu thảo luận, đánh giá tình hình triển khai và những kết quả nổi bật cũng như phân tích, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, những kinh nghiệm quý, bài học hay trong triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; các giải pháp triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, trong đó tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quan tâm cho ý kiến về các dự thảo kế hoạch, đề cương báo cáo của các đoàn giám sát đã gửi đến các vị đại biểu tham dự hội nghị.
Trong đó, 5 vấn đề trọng tâm gồm:
Một là, các giải pháp tiếp tục đổi mới trong việc lựa chọn chủ đề xây dựng, phê duyệt kế hoạch, đề cương chi tiết, phương pháp tổ chức thực hiện, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác điều hòa, phối hợp hoạt động tiến hành giám sát, nhất là đối với hoạt động giám sát chuyên đề, việc khảo sát của các đoàn giám sát, của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban tại địa phương.
Hai là, các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động xem xét các báo cáo; công tác triển khai hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn năm 2023; việc tăng cường giám sát để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ba là, các giải pháp tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND.
Bốn là, đề xuất các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban; tăng cường hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22-7-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Năm là, các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Nội dung chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023 (bên cạnh những nội dung giám sát thường xuyên theo thông lệ) Tại kỳ họp thứ 5 - Xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; Tại kỳ họp thứ 6 - Kết quả hoạt động và việc quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2021 và năm 2022; kết quả 2 năm (2022, 2023) thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2022; tình hình thực hiện quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2022; - Tình hình thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 và Nghị quyết số 95/2019/QH14; - Tình hình thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 44/2022/QH15. - Xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; - Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Nội dung chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Tại phiên họp tháng 3: Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. - Tại phiên họp tháng 4: Xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; báo cáo tài chính nhà nước năm 2021; báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và một số báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. - Tại phiên họp tháng 5: Xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4; báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và một số báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. - Tại phiên họp tháng 8: Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. - Tại phiên họp tháng 9: + Xem xét các báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp cuối năm theo thông lệ + Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”. - Tại phiên họp tháng 10: Xem xét các báo cáo của Chính phủ theo thông lệ tại kỳ họp cuối năm |
ANH PHƯƠNG