Hơn 2.900 thiết chế Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Sáng 14-6, tại ngày làm việc thứ hai Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI (mở rộng), các ban tham mưu giúp việc Thành ủy TPHCM đã báo cáo về công việc trọng tâm.
Về công tác sắp xếp tổ chức Đảng, đảng viên và đội ngũ cán bộ chuyên trách tại các đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy TPHCM giai đoạn 2020-2024, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, đến nay, Ban Tổ chức Thành ủy đã thực hiện đối với 8/13 đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy. Trong đó, đã chuyển 6/6 đảng bộ tổng công ty có dưới 500 đảng viên về trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp.
Quá trình thực hiện, Ban Tổ chức Thành ủy đã đề xuất Thường trực Thành ủy TPHCM về chủ trương chưa sắp xếp mà giữ nguyên như hiện nay đối với 7 đảng bộ tổng công ty, công ty trên 500 đảng viên và tham mưu thực hiện sắp xếp vào thời điểm phù hợp.
Về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, thành phố có hơn 2.900 thiết chế. Ban Tuyên giáo Thành ủy đã thành lập các đoàn chuyên môn khảo sát, đánh giá, giám sát việc triển khai xây dựng không gian này gắn với thực hiện việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó có nhận định đúng mức về nội dung trên.
Theo đồng chí, các cơ sở Đảng nhập cuộc tích cực, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được triển khai phong phú, có nơi triển khai rất hiệu quả, nhiều loại hình. Đồng chí đề nghị, mỗi đơn vị, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để xem xét, chọn chất liệu để khung thiết kế đó phù hợp với từng tổ chức cơ sở Đảng, tránh rập khuôn hoặc làm quá đơn điệu. Đánh giá mô hình nào phát huy tốt, thiết chế nào cần đầu tư.
Giải quyết kịp thời các kiến nghị của nhân dân
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, nhận xét các ý kiến phát biểu đều lấy nhân dân làm chủ thể để triển khai nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhân dân ở nhiều phạm vi, góc độ khác nhau. Đó vừa là kết quả, cũng là bài học kinh nghiệm và mong muốn phát huy trong giai đoạn sắp tới.
Đồng chí yêu cầu các cơ quan tham mưu giúp việc của Thành ủy TPHCM tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định các cơ chế để vận hành thông suốt, đồng bộ, toàn diện, thống nhất về công tác xây dựng Đảng. Gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo 10 nội dung về công tác xây dựng Đảng được triển khai chặt chẽ, đồng bộ.
Đó là, xây dựng Đảng về chính trị; tư tưởng; đạo đức; đổi mới hoàn thiện tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị; củng cố nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhất là người đứng đầu về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Cùng với đó là thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; kiên trì và kiên quyết trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc yêu cầu người đứng đầu cơ quan tham mưu giúp việc của thành phố phối hợp các đảng đoàn, ban cán sự đảng, cấp ủy, tổ chức Đảng triển khai liên thông, tích hợp, lồng ghép nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực để đạt kết quả tổng thể. Như trong triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn liền với việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua của các ngành, các cấp.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhận định, trong quá trình phát triển sẽ có nhiều rủi ro, tác động không mong muốn đến phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến quá trình xây dựng khối đại đoàn kết của TPHCM; công tác dân vận, tuyên giáo của Đảng, công tác tổ chức xây dựng Đảng. Vì vậy, các cơ quan tham mưu giúp việc của Thành ủy TPHCM cần tiếp tục nghiên cứu các cơ chế để dự báo chính xác, ngăn chặn kịp thời, xử lý hiệu quả những rủi ro có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội TPHCM.
Bên cạnh đó, Ban Dân vận Thành ủy TPHCM chủ trì, phối hợp đề xuất hoàn thiện ngày càng sâu sắc hơn các điều kiện thực tiễn đặc trưng, đặc thù của TPHCM về thực hiện nhóm thành tố “nhân dân làm chủ” gắn với thực hiện 2 nhóm thành tố “dân giám sát”, “dân thụ hưởng” trong phương châm dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.
Theo đồng chí Nguyễn Phước Lộc, sức mạnh của cả hệ thống chính trị gắn liền với sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân là rất to lớn. Do đó, đồng chí yêu cầu các cơ quan tham mưu giúp việc quan tâm đề xuất các cơ chế để triển khai đồng bộ, toàn diện với nhiều kết quả to lớn hơn.