Một trong những điều gây bức xúc hiện nay của người dân là chưa có giải pháp nhằm quản lý hoạt động này của các cơ sở KBCB, dẫn đến tình trạng thiếu sự liên thông trong theo dõi sức khỏe, tình trạng bệnh tật của người bệnh giữa các cơ sở KBCB.
Một bệnh nhân vừa KBCB ở bệnh viện A, muốn khám lại ở bệnh viện B lại bắt đầu từ đầu với những xét nghiệm, chiếu chụp. Gần như chưa có sự công nhận lẫn nhau về kết quả KBCB giữa các cơ sở.
Bên cạnh đó, thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua cho thấy đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: vấn đề điều động nhân lực; cấp giấy phép hoạt động của cơ sở KBCB; KBCB từ xa; kê đơn, cấp phát thuốc cho người bệnh…
Từ thực tiễn đó, dự thảo luật lần này có nhiều điểm mới, có thể đáp ứng mong mỏi của người dân. Đơn cử như bổ sung quy định cơ sở KBCB phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm từng bước liên thông kết quả KBCB giữa các cơ sở, tạo thuận lợi cho người bệnh đồng thời cũng là giải pháp để quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, để nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ KBCB, dự thảo đã cho phép cơ sở giám định y khoa, trung tâm y tế huyện, viện nghiên cứu có giường bệnh… được cung cấp dịch vụ KBCB nếu đáp ứng điều kiện theo quy định; cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng thời gian điều trị tối đa không quá 72 giờ.
Về giá KBCB, dự thảo quy định Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khung giá dịch vụ KBCB (bao gồm cả khung giá dịch vụ KBCB theo yêu cầu) đối với cơ sở KBCB của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Cơ sở KBCB tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá…
Dù dự thảo vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau ở một số nội dung, nhưng có thể thấy, người dân đang rất mong luật lần này sẽ bổ sung chế tài đối với cơ sở KBCB không đạt tiêu chuẩn chất lượng; quy định việc liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng giữa các cơ sở KBCB đạt cùng tiêu chuẩn, chất lượng; quy định về KBCB và hỗ trợ chữa bệnh từ xa, bởi đây đang là phương thức KBCB hữu hiệu trong thời đại 4.0; bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở KBCB trong hoạt động KBCB từ xa…
KBCB là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ KBCB vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá. Do đó, nếu cho phép cơ sở KBCB tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ KBCB theo quy định của Luật Giá thì vẫn cần phải bổ sung quy định nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ y tế khối tư nhân để đảm bảo quyền của người bệnh.
Sửa luật lần này phải bảo đảm lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ KBCB trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ KBCB chất lượng cao, bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở KBCB của Nhà nước và tư nhân.
Người dân mong chờ một dự thảo luật KBCB sẽ đảm bảo thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới), đặc biệt là các nội dung về giá dịch vụ y tế, xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả cũng như đào tạo và đãi ngộ cán bộ y tế.