Số ca mắc không ngừng tăng
Ghi nhận tại Khoa Khám bệnh - BV Nhi đồng 2, số trẻ mắc TCM đến khám và được kê thuốc điều trị ngoại trú lẫn số trẻ phải nhập viện điều trị nội trú đều gia tăng. Nếu như tháng 7 chỉ có hơn 1.900 trẻ đến khám bệnh do mắc TCM, thì trong tháng 8 có đến gần 5.000 ca. Trong đó, từ 168 ca phải nhập viện điều trị nội trú ở tháng 7 đã tăng lên 283 ca trong tháng 8 và chỉ nửa đầu tháng 9 đã có đến 235 ca.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Đạt, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - BV Nhi đồng 2, dự kiến trong thời gian tới số ca mắc TCM sẽ tiếp tục tăng mạnh do trẻ nhập học, nguy cơ lây lan nhanh hơn rất nhiều so với những tháng hè. “Trước tình trạng số bệnh nhi nhập viện tăng cao và để tránh lây lan cho các bệnh nhi khác, Khoa Nhiễm của BV đã bố trí một khu vực dành riêng cho bệnh nhi TCM”, bác sĩ Nguyễn Thành Đạt thông tin. Còn tại BV Nhi đồng 1, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết trong tháng 8, mỗi ngày BV điều trị khoảng 20 trẻ nội trú mắc TCM, đến giữa tháng 9 đã tăng lên 50 trẻ/ngày. Đáng chú ý, đã có trường hợp mắc TCM độ nặng, phải thở máy.
Không được chủ quan
Nằm điều trị tích cực tại phòng cấp cứu của Khoa Nhiễm - BV Nhi đồng 2, bé V.T.M. (6 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) được chẩn đoán mắc TCM ở thể nặng. Theo chị Phùng Thị Mai, mẹ của bé M., gần 10 ngày trước bé có triệu chứng sốt, nổi ban trong miệng. “Gia đình nghĩ rằng con bị nhiệt miệng nên không đưa đi BV mà ở nhà điều trị, cho uống nước mát theo kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên 3 ngày sau, bé bắt đầu sốt cao, mệt mỏi, lừ đừ, nổi mụn ở miệng nhiều, không ăn được, chỉ uống sữa, gia đình mới đưa con đến BV”, chị Mai lo lắng.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Đạt, trẻ mắc TCM thường sốt, loét miệng, nổi hồng ban, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân.... “Trẻ mắc TCM có các dấu hiệu thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, co giật, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, da nổi bông hoặc xanh tái… Khi phát hiện trẻ có các biểu hiện này cần đưa trẻ nhập viện để tránh bệnh trở nặng, nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Nguyễn Thành Đạt khuyến cáo.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Ngọc Thành, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, nhấn mạnh TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vaccine dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ; phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh cũng như các dấu hiệu trở nặng để đưa trẻ đến cơ sở điều trị sớm, tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
“Bệnh TCM chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và lây lan mạnh vào tháng 8, tháng 9. Đây là thời điểm trẻ em phải trở lại trường học sau khi nghỉ hè. Vì vậy, các trường học cần tuân thủ thực hiện các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học; phát hiện sớm trẻ mắc bệnh để cách ly kịp thời”, bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành lưu ý.
Tăng cường phòng chống bệnh TCM Để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh TCM, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) yêu cầu các ban ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, chủ động tăng cường hoạt động phòng chống dịch bệnh nói chung, trong đó có bệnh TCM trên địa bàn; phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về biện pháp phòng chống dịch bệnh TCM tại các trường học, đặc biệt tại trường mầm non, nhóm trẻ gia đình. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh TCM, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ cho việc chẩn đoán, thu dung, điều trị bệnh nhân và xử lý ổ dịch; tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại nơi ghi nhận trường hợp mắc bệnh và khu vực có ổ dịch. |