“Làn sóng” nhân viên y tế ở các cơ sở công lập xin thôi việc vừa tạm lắng xuống thì nay, tình trạng thiếu thốn thiết bị vật tư y tế, thuốc men… đang trở nên tệ hơn bao giờ hết, một phần do tâm lý hoang mang “làm gì cũng có thể sai” khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh.
Với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), những trách nhiệm và nghĩa vụ của nhân viên y tế cần được quy định rõ ràng hơn. Cùng với đó, giá dịch vụ y tế cũng phải từng bước tiệm cận với giá thị trường, tiến tới tính đúng, tính đủ. Dù đây là lĩnh vực đặc thù, phải đảm bảo an sinh xã hội cho những đối tượng yếu thế nhưng cũng cần có thêm “kênh” khác tham gia giải quyết, để ngành y tế có nguồn thu hợp lý, chính đáng. Đáng mừng là Quốc hội cũng đã bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 các dự án sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Giá. Việc này sẽ góp phần tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng hơn cho công tác mua sắm thiết bị vật tư y tế, thuốc men…
Để xã hội tốt lên, tham nhũng, tiêu cực đương nhiên phải bị trừng trị. Nhưng, cùng với đó, cơ chế cũng cần phải điều chỉnh để làm sao các cán bộ, trong đó có cán bộ ngành y “không cần, không dám và không thể tham nhũng”. Công luận đã nhiều lần phản ánh việc đồng lương “cứng” quá thấp của cán bộ, nhân viên y tế, khi bác sĩ mới ra trường chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng; bác sĩ hơn 10 năm trong nghề chừng 5-6 triệu đồng/tháng; còn trưởng trạm y tế trước khi nghỉ hưu chỉ 7-8 triệu đồng/tháng…
Và cuối cùng, tuy không được ghi vào luật, song phải hết sức công bằng khi ghi nhận những đóng góp lớn lao của lực lượng y tế, không chỉ ở thời kỳ “chống dịch như chống giặc”. Khi được Nhà nước đãi ngộ xứng đáng, xã hội nhìn nhận công bằng, các cán bộ, nhân viên ngành y mới có thể yên tâm khám bệnh, chữa bệnh theo đúng tinh thần “lương y như từ mẫu”.