Tỷ lệ phẫu thuật thành công đạt 98%
Anh Thuận là một trong hàng trăm bệnh nhân ung thư lưỡi được phẫu thuật, tái tạo theo phương pháp “Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư” của nhóm tác giả: TS-BS Nguyễn Anh Khôi, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Cần và Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hùng Khương (thuộc Bệnh viện Ung bướu TPHCM). Phương pháp trên vừa được đề cử giải nhất Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 3-2023.
“Tôi không còn đau đớn như trước, hy vọng sẽ nhanh khỏe để đi làm…”, dòng nước mắt chảy cắt ngang lời tâm sự của chàng trai trẻ. Anh Thuận nói rằng anh khóc không phải vì buồn mà vì niềm vui khi thấy mình khỏe hơn, trò chuyện được với mọi người và chờ mong sớm đi làm trở lại. Thăm bệnh, TS-BS Nguyễn Anh Khôi động viên bệnh nhân tập trung điều trị để nhanh đi làm trở lại.
Khoa Ngoại Đầu cổ - Hàm mặt những ngày này có hàng chục ca vừa được điều trị phẫu thuật tái tạo lưỡi. Bệnh nhân N.Đ.T. cũng vừa ra khỏi phòng mổ được 4 ngày. Người nhà bệnh nhân N.Đ.T. kể, gần 1 năm từ khi phát hiện triệu chứng đầu tiên, anh T. đi thăm khám nhiều nơi. Được đề nghị phẫu thuật cắt toàn bộ lưỡi để loại bỏ khối u, anh T. đắn đo mãi. Sau đó, anh được người quen hướng dẫn đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM thử phương pháp tái tạo khuyết hổng. Lựa chọn tin tưởng vào phương pháp trên, anh an tâm điều trị. Chỉ sau mấy ngày phẫu thuật, sức khỏe anh T. chuyển biến tích cực.
TS-BS Nguyễn Anh Khôi thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: NGÔ BÌNH |
TS-BS Nguyễn Anh Khôi cho biết, khoảng năm 2011, ông mày mò nghiên cứu và đưa phương pháp tái tạo khuyết hổng sau phẫu thuật lưỡi vào điều trị bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, khi đó, vị bác sĩ này chỉ thực hiện đối với những khuyết hổng nhỏ. Sau đó, ông cùng nhóm cộng sự nghiên cứu, thử nghiệm phương pháp trên với những bệnh nhân phải cắt bỏ phần lớn hoặc toàn bộ lưỡi, lấy da đùi, da bụng hoặc da cánh tay để tái tạo. Sau rất nhiều nỗ lực của TS-BS Nguyễn Anh Khôi và cộng sự, kết hợp với các phác đồ điều trị sau phẫu thuật, năm 2017, phương pháp trên được ứng dụng vào thực tế, tỷ lệ thành công lên tới 98%. Năm 2021, phương pháp trên được áp dụng rộng rãi và mọi người bệnh đều có thể tiếp cận.
Chất lượng quốc tế, chi phí chưa tới 1%
Chia sẻ về nguyên nhân dành nhiều thời gian để nghiên cứu, ứng dụng phương pháp “Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư”, TS-BS Nguyễn Anh Khôi nói rằng, trước đây khi chưa có phương pháp tái tạo khuyết hổng, trong phẫu thuật, bác sĩ chỉ cắt bỏ, xử lý được một phần khối u. Phương pháp này không mới nhưng chi phí rất đắt (như ở Singapore, chi phí khoảng 100.000 USD/ca), rất ít bệnh nhân tiếp cận được.
Trăn trở với những vấn đề bệnh nhân gặp phải, TS-BS Nguyễn Anh Khôi cùng cộng sự đã nỗ lực nghiên cứu các phương pháp trên thế giới để có thể thực hiện tái tạo lưỡi cho bệnh nhân trong trường hợp phải cắt bỏ toàn bộ lưỡi. “Mục tiêu ngắn hạn của phương pháp này là giúp bệnh nhân hết đau, mục tiêu dài hạn là giúp bệnh nhân ở giai đoạn trễ kéo dài sự sống, giao tiếp được”, TS-BS Nguyễn Anh Khôi cho hay.
Mỗi ca phẫu thuật, tái tạo khuyết hổng kéo dài khoảng 9-10 tiếng đồng hồ. Khó khăn nhất của phương pháp trên là làm vi phẫu vì phải theo dõi rất sát. Thường sau phẫu thuật, cứ 2-3 tiếng, bác sĩ phải kiểm tra một lần để theo dõi vết nối mạch máu. May mắn là những nỗ lực của các bác sĩ đã được ghi nhận và mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh. “Đợt tết vừa rồi, tôi nhận được cuộc điện thoại chúc tết của một bệnh nhân nam là giáo viên tiếng Anh, từng điều trị bằng phương pháp này ở giai đoạn đầu chúng tôi ứng dụng vào thực tiễn. Vui nhất là dù tái tạo toàn bộ lưỡi sau khi phẫu thuật loại bỏ khối u nhưng anh vẫn nói bình thường, sức khỏe tốt, thậm chí vẫn tiếp tục dạy học”, TS-BS Nguyễn Anh Khôi kể.
Cũng theo vị bác sĩ này, bệnh nhân ung thư lưỡi ở giai đoạn phải phẫu thuật cắt bỏ u thường tiên lượng khá xấu, rất hiếm trường hợp có thể sống được khoảng 2 năm. Với phương pháp trên, kết hợp với phác độ điều trị sau phẫu thuật, hơn 40% bệnh nhân có thể sống trên 2 năm.
Đến nay, Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã áp dụng phương pháp tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư cho hơn 300 trường hợp. Chi phí mỗi ca phẫu thuật chỉ khoảng 17-18 triệu đồng, ngoài ra còn được BHYT hỗ trợ nên bệnh nhân an tâm hơn.
Trong quá trình chấm sơ khảo, các thành viên hội đồng lĩnh vực và các chuyên gia đánh giá, phương pháp “Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư” có tỷ lệ thành công cao tương đương các trung tâm y khoa lớn của Mỹ, trong khi thời gian thực hiện ngắn hơn khoảng 1-3 tiếng.