Mở rộng thị phần nội địa và xuất khẩu
Thống kê từ Sở Công thương TPHCM cho thấy, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 8-2018 ước tăng 6,15% so với tháng trước và tăng 10,46% so với tháng 8-2017. Lũy kế 8 tháng ước tăng 7,51% (cùng kỳ tăng 7,31%); trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 7,64% (cùng kỳ tăng 7,43%) và 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 8,31%, cao hơn mức tăng toàn ngành công nghiệp.
Như vậy nếu so sánh với chỉ số IIP của 7 tháng đầu năm thì chỉ số IIP của tháng 8 tăng cao đứng thứ hai, chỉ sau tháng 1 (tháng trước tết) và cũng là tháng có chỉ số IIP lũy kế tăng cao hơn cùng kỳ, sau khoảng thời gian tăng trưởng khiêm tốn kể từ quý 2 trở lại đây, do ảnh hưởng của ngành sản xuất xe có động cơ. Điều này cho thấy, sản xuất công nghiệp đang bước vào giai đoạn tăng trưởng khá và đây cũng được xem là cơ sở để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Lý giải thực tế này, đại hiện Hội Lương thực - thực phẩm TPHCM cho rằng, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống đang có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển và mở rộng thị phần. Cụ thể, mức thu nhập người dân tăng nhanh trong những năm gần đây đã kéo theo nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, nhất là thực phẩm có lợi cho sức khỏe tăng cao. Đây là xu hướng sản phẩm có giá trị cao trên thị trường nên đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận, tạo đà đẩy mạnh hoạt động đầu tư sản xuất. Trong 8 tháng đầu năm 2018, doanh thu bán lẻ lương thực, thực phẩm ước đạt 75.542 tỷ đồng, tăng 13,6% so cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu ngành lương thực, thực phẩm trong 8 tháng cũng tăng trưởng mạnh khi đạt 118,87 triệu USD, tăng 14,46% so cùng kỳ năm 2017. Doanh nghiệp trong nước đã chủ động hơn, cũng như giảm thiểu được tối đa những rủi ro trong quá trình xuất khẩu. Theo đó, với những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về vốn, nhân - vật lực thì có thể chọn hình thức xuất khẩu trực tiếp qua các thị trường nước ngoài. Với những doanh nghiệp có nội lực hạn chế, ngoài việc tập trung thị trường trong nước, họ đã chọn giải pháp xuất khẩu an toàn thông qua hệ thống phân phối ngoại tại Việt Nam.
Không dừng lại đó, theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, những yếu tố khách quan từ thị trường cũng đang góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp trọng điểm khác của thành phố. Đơn cử như ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, do Chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu phế liệu nhựa kể từ ngày 1-1-2018, nên quốc gia này phải nhập khẩu hạt nhựa nguyên liệu để sản xuất trong nước. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa trong 8 tháng năm 2018 của Việt Nam đạt 290,5 triệu USD, tăng 15,5% so cùng kỳ và tập trung chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.
Với ngành hàng điện tử, do thị trường tiêu thụ ổn định và được quan tâm đầu tư phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật cao về sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử... nên chỉ số sản xuất 8 tháng tiếp tục tăng khá 15,89% (cùng kỳ tăng 42,31%). Kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 8 tháng năm 2018 ước đạt 6,07 tỷ USD, tăng 12,8% so cùng kỳ. Đây cũng là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu, không kể giá trị dầu thô, đạt mức 29,1%.
Còn với ngành dệt may, da giày, cơ khí, sau một thời gian bị chựng lại do chưa bắt kịp xu hướng cũng như tiêu chí chất lượng sản phẩm của thị trường, thì đến nay các doanh nghiệp đã có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với yêu cầu của thị trường. Nhiều doanh nghiệp cũng đã gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hỗ trợ dỡ bỏ rào cản kỹ thuật
Tuy nhiên, trái với chiều tăng trưởng của các ngành trên, những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc lại đang gây nên những tác động tiêu cực cho các doanh nghiệp ngành cao su. Đại diện Hiệp hội Cao su - nhựa TPHCM thông tin, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng đã khiến giá cao su trên thị trường thế giới có xu hướng giảm. Kéo theo đó, kim ngạch xuất khẩu cao su 8 tháng đầu năm 2018 của các doanh nghiệp trong nước giảm 24,9% so cùng kỳ (chỉ đạt khoảng 346,2 triệu USD).
Còn với lĩnh vực ô tô, Nghị định 116/2017/NĐ-CP ngày 17-10-2017 và có hiệu lực từ đầu năm 2018 của Chính phủ, quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã làm cho thị trường ô tô có những thay đổi đáng kể. Sản lượng ô tô lắp ráp trong nước giảm mạnh, lần lượt ở mức 25,99% (tính đến hết tháng 3-2018), giảm 14,32% (tính đến hết tháng 6-2018), giảm 9,42% (tính đến hết tháng 8-2016). Ngành sản xuất xe có động cơ giảm 9,42% (cùng kỳ tăng 9,83%).
Trước thực tế trên, đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, một mặt sở phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy nhanh gói hỗ trợ vốn vay đến với từng doanh nghiệp. Mặt khác, tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối để tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị phần. Riêng với những ngành công nghiệp cao su, sở cũng định hướng cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng khai thác mủ cũng như đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu.
Đồng thời, ngành công nghiệp cao su cần đẩy mạnh đầu tư vào các sản phẩm như vỏ (lốp) ô tô, cao su kỹ thuật, nệm cao su các loại… để tận dụng tối đa lợi thế về nguồn nguyên liệu có sức cung cao ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Về phía Bộ Công thương, hiện bộ này đã làm việc với hệ thống phân phối ngoại để tìm cách tháo gỡ rào cản kỹ thuật, nhằm tăng sự hiện diện hàng Việt trong các hệ thống phân phối này.
Trước mắt, hệ thống phân phối ngoại như Lotte, Aeonmall, Metro, Auchan đã cam kết hỗ trợ doanh nghiệp Việt cải thiện tiêu chuẩn hàng hóa sản xuất, đồng thời cam kết thu mua sản phẩm của các doanh nghiệp Việt.