Vào năm 1984, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam) được thuê gần 6.000ha đất để trồng cao su với thời hạn 40 - 50 năm. Từ năm 2013, do cao su già cỗi, công ty đã tái canh. Từ năm 2015 đến nay, công ty giao những ô đất trống giữa các hàng cao su cho doanh nghiệp, hộ cá nhân trồng xen cà phê, tiêu và một số loại cây ăn quả.
Ông P.V.H. (xã Ia Glai, huyện Chư Sê) cho biết, năm 2017, ông cùng 2 người thân làm chung một hợp đồng với công ty thuê 40ha đất cao su để tái canh, thời hạn thuê là 25 năm, giá 31 triệu đồng/ha/25 năm. Riêng ông H. thuê 5ha, trong đó khoảng 50% diện tích trồng cao su, 50% còn lại là đất trống nằm xen trong các hàng cao su. Hiện ông H. đã trồng xen 900 cây mãng cầu, 80 cây sầu riêng và 300 cây gáo vàng. Có 3 doanh nghiệp cũng nhận đất trồng xen các cây tiêu, cà phê, chuối, chanh dây với diện tích hàng trăm hécta.
Số liệu báo cáo của Huyện ủy Chư Sê cho thấy, năm 2015 và 2016, diện tích tái canh của Công ty Cao su Chư Sê là hơn 1.025ha. Trong đó diện tích trồng xen các loại cây là 674ha (chiếm 66% diện tích tái canh), gồm cà phê, tiêu, chanh dây, dược liệu, cỏ (riêng cà phê và hồ tiêu chiếm 454ha).
Ông Lê Quang Trương, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, cho biết việc trồng xen cao su đã được Tập đoàn Cao su Việt Nam cho chủ trương. Nếu trồng thuần cao su thì mật độ là 555 cây/ha với tỷ lệ 6-3, nghĩa là hàng cách hàng 6m, cây cách cây 3m. Khi chuyển sang trồng xen, công ty chuyển đổi một số mô hình, trong đó mật độ gồm 413 cây/ha, 460 cây/ha hoặc 500 cây/ha. Khoảng cách giữa các hàng là 5,5m, cây cách cây 2m. Trồng 2-3 hàng cao su rồi chừa luồng đất trống rộng 15m, 21m hoặc 27m. Phần đất trống này được công ty hợp đồng trồng xen với các tổ chức, hộ dân theo hình thức công ty bỏ đất, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư để chia lợi nhuận, còn đối với dân thì trả một số tiền cho công ty.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Sê, lo ngại việc cho trồng xen đã làm tăng diện tích hàng trăm hécta tiêu, cà phê, phá vỡ quy hoạch. Ngoài ra, các hồ đập trước kia thiết kế không tính toán nước cho diện tích cao su, nay trồng xen đương nhiên không đủ nước tưới. Ngoài ra, cây cao su có độ che phủ cao, giờ xen canh làm tỷ lệ che phủ giảm, thay đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng nước ngầm.
Theo Huyện ủy Chư Sê, việc trồng xen trong diện tích cao su tái canh bước đầu đã gây tranh chấp nguồn nước tưới với người dân. Khi tái canh, công ty không báo cho xã, huyện biết, dẫn đến những vị trí nằm trong quy hoạch nông thôn mới, dân cư, đang làm thủ tục trình UBND tỉnh thu hồi thì triển khai tái canh. Đến khi có quyết định giao đất của UBND tỉnh, buộc huyện phải xuất ngân sách để đền bù.
Ngoài ra, việc xen canh còn ảnh hưởng đến lao động địa phương theo hướng sụt giảm. Huyện ủy Chư Sê đã đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các công ty khi thực hiện tái canh vườn cao su mà có xen canh cây trồng khác, phải báo cáo kế hoạch tái canh, xen canh cụ thể; kế hoạch đó phải phù hợp với quy hoạch cây trồng của địa phương; đề nghị các công ty khi tái canh, xen canh phải có phương án giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm.