Tại cuộc họp báo được tổ chức chiều 19-10, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, thời gian họp được rút ngắn với chương trình làm việc được tính toán rất kỹ về thời lượng và trình tự.
Nhìn vào nội dung dự kiến cũng hình dung phần nào khối lượng công việc khổng lồ mà cơ quan lập pháp cần giải quyết. Theo đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Chính phủ đã chuẩn bị hơn 50 báo cáo, tờ trình, đề án, dự án trình Quốc hội, trong đó có 16 tờ trình, báo cáo trình bày tại hội trường và hàng chục báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu. Các báo cáo công tác của: Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; công tác phòng chống tham nhũng; công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2021... cũng được trình Quốc hội. Đặc biệt, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (giai đoạn 2021-2025); kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025…
Để hoàn thành được khối lượng công việc đó, công tác chuẩn bị đã được tiến hành từ sớm, từ xa, ưu tiên chất lượng, tuyệt đối không “bắc nước chờ gạo người”, đúng theo phương châm đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần khẳng định.
Trong xây dựng pháp luật, nhiều hoạt động tham vấn chuyên sâu các chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng có liên quan đã được thực hiện dưới nhiều hình thức, từ tọa đàm đến diễn đàn với sự tham dự của chính Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội. Để ứng phó kịp thời với tình hình khẩn cấp do dịch bệnh diễn biến phức tạp, Quốc hội đã có những quyết sách chưa có tiền lệ, như trao một số quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chủ động đưa ra các quyết sách giúp đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Trong công tác giám sát, lần đầu tiên các báo cáo về giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu báo cáo và xem xét định kỳ hàng tháng từ sau kỳ họp thứ nhất đến nay. Với quyết tâm giải quyết sớm và triệt để những kiến nghị của người dân và cử tri, tại kỳ họp thứ 2, hình thức giám sát tối cao hiệu quả nhất của Quốc hội - chất vấn và trả lời chất vấn - vẫn sẽ được tổ chức. Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, hiện đã tập hợp được gần 60 nhóm vấn đề do 59 đoàn và 23 đại biểu Quốc hội đề nghị đến đoàn thư ký. Và, dù Quốc hội chưa quyết định các nhóm vấn đề cũng như người trả lời chất vấn cụ thể, nhưng chắc chắn người đứng đầu Chính phủ sẽ đăng đàn.
Ở lĩnh vực quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, với tinh thần đồng hành với Chính phủ, thời gian qua, Quốc hội đã thành lập tổ công tác đôn đốc việc giám sát và xử lý những vấn đề cấp bách trong thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 (về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV) của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Tổ trưởng. Với sự chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, lấy chất lượng làm đầu, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng nhiều quyết sách quan trọng sẽ được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội lần này, tạo đà cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội thời gian tới.