Trong thư phản ánh, một bệnh nhân (xin được giấu tên, ngụ tại TPHCM) cho biết: “Tôi đi xét nghiệm máu để tầm soát HIV và bệnh xã hội ở 2 nơi. Tại nơi đầu tiên (BV công lập), người lấy máu trước tôi để xét nghiệm HIV, y tá lấy máu người này xong thì tiếp tục lấy máu của tôi chỉ với cùng 1 cái găng tay. Y tá làm vậy là không tuân thủ quy tắc vô trùng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người đi xét nghiệm, khiến tôi cảm thấy lo lắng. Đắn đo một hồi, tôi hỏi thì y tá trả lời: “3 người là em thay găng rồi anh”. Trên thực tế, tôi ngồi quan sát cô y tá này qua 10 lượt người vào lấy máu vẫn chưa thay găng. Nơi thứ 2 là một phòng khám tư sạch sẽ hơn, song người làm xét nghiệm đeo găng xong lại đụng vào vật khác, đâm ra cái găng mới thì mới nhưng lỡ dính cái gì không sạch thì có trời biết. Sau 2 lần đi xét nghiệm là 2 lần phải mua thuốc chống phơi nhiễm uống tiếp”.
Đây chỉ là một trong rất nhiều băn khoăn của bệnh nhân đã, đang và chuẩn bị làm xét nghiệm máu. Liệu mình có nằm trong con số “an toàn” khi trao sức khỏe của bản thân cho ngành y nhưng lại bị lây bệnh từ chính... y bác sĩ.
Theo bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, việc y bác sĩ không thay găng tay thường xuyên đã vi phạm nguyên tắc dự phòng phổ quát. Tuy họ có khẳng định nguy cơ thấp lây nhiễm HIV, nhưng không phải là không có. Không chỉ có HIV mà còn nhiều bệnh khác cũng có thể lây truyền nếu bác sĩ không đảm bảo nguyên tắc an toàn trong xét nghiệm, nhất là việc không thay găng tay. Không biết có phải do quá đông bệnh nhân, hay do sự lơ là của các thầy thuốc, mà việc bảo hộ lao động trong ngành y đang có chiều hướng bị coi nhẹ. Đặc biệt, trong một môi trường gồm nhiều người đi xét nghiệm có khả năng nhiễm HIV, việc cẩn trọng từng li từng tí lẽ ra phải được coi trọng. Nguyên tắc vô trùng ngoài việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả người đi xét nghiệm và người lấy mẫu thì còn đảm bảo về mặt tinh thần cho người đi xét nghiệm, bởi tâm lý người bệnh nhạy cảm với mọi thứ.
Cách đây không lâu, dư luận từng dậy sóng với sự cố chạy thận làm chết 8 người. Người có tội thì bị xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng sinh mạng con người thì không thể chuộc lại được? Trong ngành y nói chung, bệnh viện hay phòng xét nghiệm nói riêng, mọi khâu, từ lao công cho đến kỹ thuật viên, y tá, bác sĩ… cẩn trọng hơn, tuân thủ quy tắc an toàn, kiểm tra kỹ lưỡng thì sẽ không còn những “sự cố” thương tâm. \
Cần thấy rằng, các thầy thuốc chính là những người hiểu biết kỹ nhất về sự lây truyền của bệnh tật nhưng một trong số thầy thuốc đó vẫn còn chủ quan với sức khỏe của người bệnh. Ngay quy định đơn giản nhất là đội nón, đeo khẩu trang, đeo găng tay khi tiếp xúc với bệnh nhân cũng còn chưa thực hiện nghiêm túc ở một số y bác sĩ, một số bệnh viện…