Mối đe dọa tiềm tàng?
Theo thông tin từ Wall Street Journal, Chính phủ Mỹ đang xem xét tăng sự hiện diện của quân đội nước này ở Trung Đông, trong đó có việc bổ sung hàng chục tàu chiến, các vũ khí hạng nặng khác và tăng cường khoảng 14.000 quân để đối phó với Iran.
Việc triển khai này có thể sẽ làm tăng gấp đôi nhân viên quân sự Mỹ đã được điều động tới khu vực này kể từ thời điểm bắt đầu đợt tăng cường binh lực hồi tháng 5 vừa qua.
Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ sớm có quyết định về việc triển khai quân mới, ngay trong tháng 12 này. Từ hồi tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố sẽ điều hai phi đội chiến đấu cơ và bổ sung các đơn vị phòng thủ tên lửa đến Saudi Arabia, ước tính khoảng 3.000 binh sĩ.
Thông tin trên được công bố sau hàng loạt tin tức của truyền thông Mỹ cho rằng Iran đã có hàng loạt động thái được cho là củng cố kho vũ khí của mình để có thể ngăn chặn vụ tấn công từ Mỹ, Israel và Arab Saudi. Bất chấp nhiều thập niên bị trừng phạt quốc tế, quân đội Iran, vẫn đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong nước và tiếp tục phát triển các tên lửa đạn đạo, hành trình.
Hiện Pháp, Đức và Anh cho rằng Iran đã phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đi ngược lại lời kêu gọi của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc rằng Tehran không nên có bất cứ hành động nào liên quan đến loại tên lửa như vậy. Gần đây, một số thông tin tình báo cũng cho biết về mối đe dọa tiềm tàng từ Iran đối với các lực lượng và lợi ích của Mỹ ở Trung Đông, sau khi phát hiện Iran có dấu hiệu dịch chuyển vũ khí và binh sĩ trong tháng 11.
Không muốn rời JCPOA
Trong khi đó, Iran tỏ ra mềm mỏng hơn khi tuyên bố sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân, với điều kiện Mỹ trước tiên phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Đổi lại Iran sẽ quay lại đàm phán dưới sự bảo trợ của Nhóm P5+1, vốn đạt được thỏa thuận hạt nhân hồi năm 2015, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri tuyên bố, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran đã thất bại, thể hiện qua việc nước Cộng hòa Hồi giáo này tiếp tục xuất khẩu dầu. Sau 12 tháng từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi JCPOA, Iran bắt đầu giảm bớt các cam kết đối với thỏa thuận trên do các bên khác không tuân thủ thỏa thuận. Trong quyết định mới nhất cuối tháng 11, Iran tuyên bố nối lại hoạt động làm giàu urani tại cơ sở Fordow ở miền Nam khi bắt đầu bơm khí urani vào các máy ly tâm.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi còn khẳng định nước này không có kế hoạch rời bỏ thỏa thuận hạt nhân JCPOA, mặc dù Tehran giảm các cam kết trong thỏa thuận này. Thứ trưởng Araqchi, nhà đàm phán hạt nhân cấp cao của Iran, nhấn mạnh: Mục đích của chúng tôi không phải là rời khỏi JCPOA. Trong trường hợp các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và Iran được hưởng lợi từ thỏa thuận này, chúng tôi sẽ quay trở lại các cam kết theo JCPOA.
Trong 7 tháng qua, Iran tiến hành một loạt bước đi giảm bớt các cam kết trong JCPOA nhằm đáp trả các động thái trên của Mỹ, cũng như phản ứng với sự chậm trễ của các quốc gia châu Âu trong việc tạo thuận lợi cho các giao dịch ngân hàng cùng hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran.