Sinh tuổi trâu (Tân Sửu, 1961), nên phải “cày như trâu”, nhưng được cái là cày trên thửa ruộng của mình; nghĩa là cái gì mình có là do tự mình làm ra. Nữ nhà văn Y Ban (ảnh) bộc bạch như thế trong một chiều mưa Hà Nội những ngày cuối tháng 1 của năm 2010.
Quen biết nhau có lẽ gần hai chục năm rồi, khi cuộc họp này lúc hội thảo kia; hoặc ngẫu nhiên tán chuyện trong một nhóm nào đó cũng ngẫu nhiên hình thành. Ấn tượng: Một Y Ban sôi nổi tràn trề sự sống với đôi mắt luôn mở to, long lanh, nhưng ngôn từ thì những anh chàng yếu bóng vía ngại lắm. Y Ban sẵn sàng “đốp” vỗ mặt chẳng chút kiêng dè. Và vẫn Y Ban ấy thật thà đến thẳng thắn chuyện về mình, về gia đình. Những chuyện người khác không dám nói hay cố giấu đi thì qua miệng Y Ban nó thật mạch lạc, đúng bản chất và người nghe thấy thật tự nhiên...
Tôi nhớ vào khoảng năm 1997-1998, trong một cuộc “tầm phào” ngẫu nhiên ở quán nước có cả Y Ban, Y Ban nói “em cho nó về mo rồi...”, không nhớ về chuyện gì. Một giọng rụt rè, thế nghĩa là sao! Ngu thế. Nghĩa là về không, tức là không còn gì. Đấy, Y Ban người yêu quý rất nhiều mà kẻ không ưa, khó chịu không thiếu.
Tại sao lại “nảy” cái tên không giống ai nghe như người dân tộc? Đơn giản thôi: Y Ban tức Ban trường Y. Cha mẹ đặt cho đầy đủ là Phạm Thị Xuân Ban, quê ở Nam Định, tốt nghiệp Đại học Y khoa từng dạy Cao đẳng Y Nam Định. Cô giáo Ban dạy trường y, bỏ nghề y đi viết văn, trở thành Y Ban. Nhiều báo chí từng hỏi Y Ban tại sao đi viết văn, Y Ban cũng trả lời không ít lần là cái nghề văn chọn tôi. Quả vậy, mỗi người vào nghề văn theo con đường khác nhau, chứ làm gì có trường để mà đào tạo ra những nhà văn, mà có trường chưa hẳn đã thành!
Năm 2009 là năm tuổi của Y Ban nhưng Y Ban lại may nhiều, lớn nhất là con gái đầu đã được du học bên Pháp về ngành kiến trúc. 60 truyện ngắn viết trong năm (chưa in), cuối năm ra mắt tập truyện ngắn mới nhất Hành trình tờ tiền giả; “thắng” vài vụ bất động sản, chứng khoán, lẻ tẻ không tính; quả là có công gieo trồng có ngày gặt hái.
Nhưng để có một nhà văn Y Ban nổi tiếng “sắc sảo, góc cạnh” hôm nay, ít người biết những truân chuyên của một người phụ nữ viết văn. Bỏ nghề y, lên Hà Nội theo đuổi nghề viết văn, làm báo; lấy chồng rồi cùng nhau tính kế sinh nhai. Có một cây bút nữ nức tiếng một thời Nguyễn Thị Ấm vừa bán xôi ở ngõ “Cấm Chỉ” Hà Nội vừa viết truyện; cũng có một Y Ban vừa bán gà tần thuốc bắc, vừa tảo tần chuyện nhà, và viết văn.
Căn nhà lụp xụp 30m2 ngày xưa bên hông sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội, (ngõ 11 phố Trịnh Hoài Đức) là nơi ông chồng - nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ, nhà văn Y Ban và hai con làm nên một tổ ấm với đầy đủ “nếp tẻ”. Căn nhà ấy nay đã 3 tầng, đủ cho sinh hoạt chứ ngày trước “ngột ngạt” bởi cái sự bày biện toàn đất, thạch cao... của ông chồng điêu khắc.
“Bây giờ khấm khá rồi. Vài năm trước mua đất bên Bắc Biên, Ngọc Thụy ven sông Hồng làm xưởng cho ông xã, rỗi rãi sang đấy. Tôi nhớ cái tết năm 2009, mùng 2, cả nhà kéo nhau thả bộ dưới đáy sông Hồng đi ngược mạn sông Đuống, thú vị vô cùng. Sông lúc ấy mùa cạn, đi dưới lòng sông nhớ những kỷ niệm tuổi thơ nơi thôn quê ngày xưa. Bản chất tôi là nông dân, văn hóa, phong tục nơi thôn dã đã tạo nên tôi, ngày nay dù giữa chốn phố phường nhưng tôi vẫn cảm thấy mình là kẻ xa lạ, nên được tiếp xúc với thiên nhiên mang màu quê cứ sướng mê đi...” Y Ban kể.
Làm báo (Giáo dục Thời đại), viết văn, lo toan gánh vác toàn bộ việc lớn trong nhà tới miếng cơm, giấc ngủ của chồng con, vậy nhưng vẫn không mất đi một Y Ban sôi nổi, tận tình và hết mình cùng bạn bè. Nhiều người thắc mắc Y Ban viết vào lúc nào. Ô hay, nghiệp viết thì bất cứ lúc nào chứ sao lại tìm cách phân định rạch ròi. Nhưng cứ mỗi thành đạt hình như tôi lại phải trả giá vì những chuyện không mong muốn. Tôi thấy có lẽ tôi là người của gia đình thì hợp hơn, hay cứ làm một cô giáo dạy trường y, có lẽ đời sẽ khác, chứ nhiều lúc gian truân, trắc trở tưởng như không thể qua nổi. Y Ban cứ tưng tửng như thế.
Luôn gặp trắc trở trên đường đời nhưng sống tự tin, đàng hoàng và gặt hái thành công trong sự nghiệp cũng bởi có một nữ nhà văn Y Ban biết nén nỗi đau lặn vào trong, luôn sống vì những điều tốt đẹp.
Như tâm sự của chị: “Nhà văn là tưởng tượng, là hư cấu, nhưng có tưởng tượng trên trời cũng không tưởng tượng ra nổi cái lòng dạ xấu xa, phản trắc của con người. Thật may là tôi có những người bạn tốt. Thật may trên đời còn nhiều điều tốt đẹp".
CAO MINH