Theo đó, hoạt động tư vấn tâm lý bao gồm các nội dung: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường; hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội; rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách.
Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và cha mẹ (hoặc người giám hộ hợp pháp) của học sinh, một số lực lượng ngoài nhà trường. Hoạt động tư vấn tập trung xoay quanh một số chủ đề gần gũi với lứa tuổi học sinh như giới tính, hôn nhân, sức khỏe sinh sản, kỹ năng phòng chống bạo lực và xâm hại, tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội, kỹ năng và phương pháp học tập hiệu quả, định hướng nghề nghiệp…
Đơn vị trường học có thể lựa chọn một trong các hình thức thực hiện như xây dựng chuyên đề, bố trí thành các bài giảng riêng, hoặc lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ, tổ chức dạy tích hợp trong các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa, câu lạc bộ, tư vấn trực tiếp tại phòng tư vấn hoặc gián tiếp qua mạng nội bộ, trang thông tin điện tử của nhà trường, mạng xã hội, điện thoại và các phương tiện thông tin truyền thông khác.
Cán bộ, giáo viên trực tiếp tư vấn phải là người có kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý, có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ GD-ĐT ban hành. Tất cả giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn đều được hưởng định mức giảm tiết dạy.