Thông báo nêu rõ, tuyến đường Vành đai 3 và Vành đai 4 TPHCM đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra không gian phát triển mới. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu phương án triển khai đầu tư. Tuy nhiên, do các dự án đi qua các đô thị, có tổng mức đầu tư lớn, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư rất cao, nên việc đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) gặp nhiều khó khăn và khó khả thi, nhất là đường Vành đai 3.
Trên cơ sở báo cáo của UBND TPHCM và ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương, Thủ tướng thống nhất đầu tư công đối với đường Vành đai 3 để đẩy nhanh tiến độ, trong đó sử dụng kết hợp vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương và Vành đai 4 tiếp tục nghiên cứu đánh giá đề xuất tính khả thi đầu tư theo phương thức PPP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng giao UBND TPHCM là cơ quan chuẩn bị đầu tư dự án Vành đai 3 (cơ quan tổ chức lập, trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) tổ chức hội thảo, xin ý kiến các cơ quan liên quan, các đối tượng tác động…, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. UBND TPHCM khẩn trương chỉ đạo sớm hoàn thiện dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vào đầu tháng 2, sao cho bảo đảm tiến độ, chất lượng trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5.
Để sớm thống nhất phương án đầu tư các dự án, Thủ tướng giao UBND TPHCM thành lập ngay tổ công tác nghiên cứu, chuẩn bị phương án đầu tư tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM.
Cụ thể, thành phần tổ công tác gồm Chủ tịch UBND TPHCM là Tổ trưởng tổ công tác; dự kiến lãnh đạo của các bộ ngành: Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, cùng chủ tịch UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan liên quan.
Nhiệm vụ của tổ công tác là xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5-2022; rà soát kỹ lưỡng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư bảo đảm tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả, khả thi, tuân thủ quy định pháp luật, tránh lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; rà soát kỹ các loại đơn giá và phân tích, giải trình rõ lý do tại sao suất đầu tư 1km đường của dự án cao; rà soát kỹ lưỡng hướng tuyến, quy mô đầu tư (trong đó nghiên cứu giảm số lượng nút giao cho phù hợp với tính chất cao tốc đô thị) để không lãng phí và hiệu quả; nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ vốn hợp lý, khả thi, hiệu quả giữa trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5-2.
* Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Kết luận nêu rõ, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng của quốc gia. Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng, của Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu hoàn thành vào năm 2025.
Để bảo đảm tiến độ của dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam rà soát, xây dựng lại tiến độ chi tiết từng hạng mục, trên cơ sở rút ngắn tiến độ từ khâu thiết kế đến thi công (trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng công trình); bố trí nhiều mũi thi công đồng thời. ACV chịu trách nhiệm bảo đảm công tác san nền không để thiếu mặt bằng làm ảnh hưởng đến triển khai các hạng mục, công trình; kiên quyết thay thế các nhà thầu yếu kém, thiết kế/thi công chậm tiến độ...