Lắp thiết bị giám sát hành trình cho xe máy không khả thi

Trước thông tin Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng có bổ sung thêm quy định xe cơ giới, trong đó có xe máy, phải lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT), nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đề xuất này không thực sự cần thiết và không khả thi.
Người dân điều khiển xe gắn máy lưu thông trên đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người dân điều khiển xe gắn máy lưu thông trên đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, cơ sở dữ liệu thu được từ thiết bị GSHT sẽ được trung tâm chỉ huy giao thông do Cảnh sát giao thông quản lý sử dụng nhằm mục đích điều hành giao thông, giải quyết tai nạn, xử lý vi phạm và phòng chống tội phạm. Trao đổi về sự cần thiết và tính khả thi của đề xuất này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hiện cả nước có trên 6 triệu ô tô, gần 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. Nếu quy định này được thông qua sẽ tác động không nhỏ đến xã hội. Vì vậy, cơ quan soạn thảo phải có đề án nghiên cứu đánh giá kỹ tác động đối với việc lắp thiết bị GSHT cho xe máy.

Bên cạnh đó, hiện mới chỉ có khoảng 1 triệu ô tô kinh doanh bắt buộc phải lắp thiết bị GSHT mà việc tích hợp dữ liệu, sử dụng dữ liệu trong công tác quản lý thời gian qua còn chưa hiệu quả, thậm chí bộc lộ nhiều bất cập như: chậm thông báo xe chạy quá tốc độ, đường truyền gián đoạn… Nếu hơn 73 triệu mô tô, xe gắn máy mà phải lắp thiết bị giám sát hành trình thì hệ thống máy chủ và công tác quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu rất phức tạp, chi phí rất lớn.

Trong khi đó, các dữ liệu từ hệ thống này trong nhiều năm qua cũng chưa được sử dụng hiệu quả cho công tác quản lý, ngăn chặn vi phạm liên quan đến trật tự an toàn giao thông. Có nhà xe hoạt động kinh doanh chạy quá tốc độ hơn 6.000 lần/tháng lại không được ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm. Vì vậy, ông Quyền kiến nghị nên rút quy định này khỏi dự án luật.

Ở góc độ cơ quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, ở thời điểm hiện tại cần bắt buộc lắp thiết bị GSHT với tất cả xe kinh doanh vận tải, còn đối với các loại xe cá nhân, bao gồm cả ô tô, xe gắn máy thì chỉ nên khuyến khích tự nguyện.

Những xe lắp thiết bị GSHT có thể thực hiện thu phí bảo trì đường bộ theo quãng đường xe chạy; thu phí chống ùn tắc giao thông (nếu có) theo thời gian và quãng đường tham gia giao thông trong khu vực áp dụng; thu phí đậu xe công cộng theo thời gian đỗ xe và nhiều ứng dụng khác có lợi cho người dùng.

Ông Khuất Việt Hùng cũng cho biết, chúng ta đang thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát trật tự an toàn giao thông, nếu các giải pháp thực hiện nghiêm túc, đồng bộ thì sẽ có hiệu quả. Thực tế cũng chưa có quốc gia nào áp dụng bắt buộc gắn thiết bị GSHT lên xe cá nhân, cả ô tô và xe gắn máy.

Các chuyên gia cũng cho rằng, đây là đề xuất có tác động lớn đến người dân nên cần khảo sát kỹ để bảo đảm tính khả thi và không gây lãng phí, tốn kém cho chủ phương tiện. Hiện giá một chiếc camera hành trình khoảng 3,5 triệu đồng, số tiền không nhỏ đối với người có thu nhập thấp, có thể gây thêm gánh nặng cho không ít gia đình.

Bên cạnh đó, với tổng nhu cầu lắp đặt cho 73 triệu xe gắn máy, nếu sản xuất trong nước không đáp ứng được lại phải nhập khẩu, gây áp lực thêm cho nền kinh tế. Một số ý kiến còn đặt vấn đề về nguy cơ xâm phạm đời tư khi bắt buộc xe cá nhân phải lắp thiết bị GSHT...

Hiện Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được xây dựng, hoàn thiện. Các chuyên gia, người dân được hỏi đều mong muốn cơ quan soạn thảo lắng nghe các ý kiến đóng góp để đảm bảo những quy định trong luật là thực sự cần thiết, có tính khả thi, không gây xáo trộn đời sống của người dân.

Tin cùng chuyên mục