460 dự án trọng điểm ảnh hưởng 55.500 hộ dân
UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TPHCM) vừa di dời khẩn cấp gần 30 hộ dân có nhà trên sông Sài Gòn, đoạn gần cầu Bình Lợi, nhằm tránh xảy ra sạt lở. Cách vài bước chân những căn nhà vừa được di dời này còn hàng chục căn nhà ẩm thấp, chật hẹp nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao cũng đang được chính quyền địa phương lên kế hoạch di dời. Trong đó, bà N.T.H sống trong một căn nhà khoảng 20m2 không có con cháu, chỉ sống một mình và hàng ngày phụ việc cho những hàng xóm để kiếm sống qua ngày.
“Nhà này tôi mua giấy tay và ở đã hơn 10 năm. Nay nghe tin sắp phải di dời, tôi rất lo lắng vì không đủ điều kiện để được bố trí tái định cư. Tiền bồi thường nhận được không bao nhiêu, sao đủ để tự tìm nơi ở mới?”, bà H. bày tỏ.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, không tính đến những trường hợp phải di dời khẩn cấp do sạt lở bờ sông nêu trên, từ nay đến năm 2020, TPHCM sẽ triển khai 460 dự án trọng điểm có bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong số này có 153 dự án trọng điểm đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, trong giai đoạn 2017-2020, dự kiến TPHCM thực hiện 307 dự án về di dời nhà trên và ven kênh rạch (51 dự án), hạ tầng xã hội và công trình công cộng (60 dự án), hạ tầng kỹ thuật (196 dự án). Ước tính, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 55.500 trường hợp.
Trên cơ sở thực tiễn công tác tái định cư của từng dự án trọng điểm trong thời gian qua, Sở Xây dựng TPHCM xác định số hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng có nhu cầu tái định cư từ khoảng 30% (đối với nhóm dự án hạ tầng kỹ thuật) và 60% (đối với nhóm dự án xã hội và công trình công cộng). Từ đó, Sở Xây dựng dự báo nhu cầu tái định cư cụ thể cho 55.000 trường hợp bị ảnh hưởng, cần di dời nêu trên. Cụ thể, trong số 153 dự án đang thực hiện bồi thường, có khoảng 3.500 hộ gia đình, cá nhân (trong tổng số 10.500 trường hợp bị ảnh hưởng) cần giải quyết chính sách bằng nhà tái định cư. Tương tự, đối với 307 dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ ảnh hưởng đến 45.000 hộ dân, dự báo có khoảng 13.500 hộ dân (chiếm 30%) có nhu cầu bố trí nhà tái định cư.
Tái định cư không chỉ là chỗ ở
“TPHCM tiếp tục xác định công tác chăm lo tái định cư là nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, chuẩn bị nguồn nhà phục vụ tái định cư các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TPHCM”, đại diện Sở Xây dựng khẳng định và vị này cho biết thêm, trong thời gian tới, TPHCM sẽ tập trung phát triển quỹ nhà ở xã hội khoảng 13.500 căn để bố trí tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân bị di dời, giải tỏa nhưng giá trị bồi thường thấp, không đủ tiền mua nhà thương mại. Những trường hợp bị giải tỏa nhưng không đủ điều kiện để bồi thường và không còn nơi ở nào khác (chủ yếu tập trung tại 51 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch thuộc chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị) cũng sẽ được ưu tiên bố trí tái định cư từ nguồn quỹ nhà vừa nêu.
“Việc thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhằm tổ chức lại cuộc sống của dân cư, cải thiện điều kiện sống, tăng mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ công; tạo môi trường sống tốt hơn, hợp lý, hài hòa với không gian kiến trúc, cảnh quan; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân”, lãnh đạo Sở Xây dựng nhấn mạnh. Sở Xây dựng cũng cho biết đã đề xuất UBND TP chuyển đổi 2.200 căn hộ để bố trí giải quyết chính sách nhà ở xã hội cho thuê đối với các hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn về nhà ở, không có khả năng thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách.
Đánh giá về công tác tái định cư lâu nay, Sở Xây dựng cho hay, trong giai đoạn 2006-2010, đa phần người dân lựa chọn phương thức nhận nhà tái định cư để có sự hỗ trợ cao hơn khi nhận tiền. Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2011 đến nay, đa phần người dân đủ điều kiện bồi thường chọn hình thức nhận tiền bồi thường và tự lo nơi ở mới. Việc người dân nhận tiền tự lo nơi ở mới do TPHCM không đủ nguồn nhà tái định cư trên cùng một địa bàn nên phải bố trí ở quận/huyện khác. Điều này gây ảnh hưởng đến cuộc sống, điều kiện sinh hoạt sau khi tái định cư nên đa số người dân không đồng thuận. Tương tự, người dân cũng “chê” tái định cư vì chất lượng nhà tái định cư của vài dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách chưa đảm bảo chất lượng và điều kiện sống.
“Công tác quản lý dự án tái định cư chưa chuyên nghiệp, khu tái định cư thiếu tiện ích, chưa có cảnh quan thân thiện, hài hòa”, lãnh đạo Sở Xây dựng nhìn nhận và khẳng định, công tác tái định cư không chỉ là giải quyết về chỗ ở mới mà còn phải đảm bảo không gian sống đồng bộ với các hạng mục hạ tầng kỹ thuật có đầy đủ công viên, trường học… gắn với đảm bảo sinh hoạt bình thường của người dân trong việc học, việc làm và đi lại. Người dân phải được đảm bảo công ăn việc làm và phục hồi được thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống sau khi tái định cư. Vì vậy, phương châm “nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” cần được đặc biệt chú trọng nhằm đảm bảo việc thực hiện tốt các dự án chỉnh trang đô thị. Từ đó, Sở Xây dựng xác định công tác tái định cư trong thời gian tới phải được xem xét, giải quyết một cách toàn diện, hài hòa trên các mặt đời sống, xã hội và chính sách an sinh xã hội.
Sở Xây dựng cho biết, trong giai đoạn 2006-2016, TPHCM đã xây dựng, hoàn thành gần 25.370 căn hộ và hơn 14.680 nền đất. Sau khi bố trí tái định cư, hiện trên toàn địa bàn TPHCM còn 10.305 căn hộ và 3.625 nền đất tái định cư. Khi thực hiện các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị hay dự án công ích, TPHCM đều xác định nhiệm vụ trọng tâm đi kèm là công tác tái định cư. Do vậy, trước lượng quỹ nhà tái định cư nêu trên, Sở Xây dựng đề nghị UBND TP tiếp tục giữ lại và phân bổ gần 2.150 căn hộ và hơn 1.700 nền đất cho UBND các quận, huyện để tiếp tục bố trí tái định cư cho 153 dự án đang triển khai dở dang theo phương án bồi thường đã được duyệt.
Ngoài ra, Sở Xây dựng kiến nghị giữ lại 291 căn hộ để các quận, huyện giải quyết tạm cư các trường hợp bất khả kháng như cháy nổ, sạt lở bờ sông, kênh rạch; di dời khẩn cấp; người dân sống trong các chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ bất kỳ lúc nào hoặc các trường hợp đặc biệt cụ thể theo chỉ đạo của UBND TP. Mặt khác, Sở Xây dựng cũng đề xuất điều chuyển 397 căn hộ và hơn 1.360 nền đất khác cho các quận, huyện để bố trí tái định cư theo giá thị trường. Riêng đối với nguồn nhà, đất được đầu tư từ nguồn vốn vay, Sở Xây dựng đề xuất bán đấu giá (gần 3.670 căn hộ và gần 560 nền đất) để thu hồi vốn rồi tái đầu tư xây dựng mới các dự án phát triển nhà ở.
Chánh văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định, chủ trương chuyển nhà tái định cư sang nhà ở thương mại đã được Chính phủ cho phép. Khi chuyển qua nhà ở thương mại, TPHCM phải định giá đúng, đủ (gồm giá đất, giá trị đầu tư trên đất, các khoản tài chính, nghĩa vụ khác có liên quan…) để tổ chức bán đấu giá các chung cư, lô đất hiện nay.
Ông Võ Văn Hoan cũng nhận xét, nhà tái định cư đang rơi vào tình trạng vừa thiếu lại vừa thừa. Theo đó, người dân có nhu cầu được bố trí tái định cư nhưng các khu tái định cư được xây xong ở quận 2, huyện Bình Chánh còn thừa hàng ngàn căn hộ. Một phần do giá căn hộ quá cao so với số tiền người dân được bồi thường; một phần nơi tái định cư không thuận lợi trong việc học hành của con và việc làm ăn của mình.
Để giải quyết bất cập này, Sở Xây dựng TP cho biết phải đổi mới công tác dự báo nhu cầu về nhà tái định cư và công tác lập kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư. Đặc biệt, việc phát triển nhà ở xã hội phải thực hiện trên cơ sở điều tra xã hội học và kết hợp với kế hoạch đầu tư xây dựng của các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị của TPHCM.